Cấy hạt phóng xạ bằng I-125 là kỹ thuật đưa nguồn phóng xạ vào trực tiếp tổn thương, liều xạ sẽ tập trung chủ yếu ở đích điều trị nên sẽ hạn chế ảnh hưởng tổ chức lành xung quanh, giảm được tác dụng phụ so với xạ trị chiếu ngoài, bảo tồn được tuyến tiền liệt.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thang điểm Gleason, thời gian kỳ vọng sống. Các biện pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị chiếu ngoài, cấy hạt phóng xạ, nội tiết, hóa chất.
Với các bệnh nhân giai đoạn còn sớm (T1,2N0M0), biện pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể gây ra biến chứng rối loạn chức năng tình dục. Phương pháp cấy hạt phóng xạ bằng I-125 là một kỹ thuật cao, đưa nguồn phóng xạ vào trực tiếp tổn thương, liều xạ sẽ tập trung chủ yếu ở đích điều trị nên sẽ hạn chế ảnh hưởng tổ chức lành xung quanh, giảm được tác dụng phụ so với xạ trị chiếu ngoài, bảo tồn được tuyến tiền liệt và có thể giúp tránh được biến chứng tổn thương thần kinh cương dương.
Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Quy trình cấy hạt phóng xạ I-125 điều trị ung thư tuyến tiền liệt:
- Chuẩn bị bệnh nhân trước điều trị:+ Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng khối u và sức khỏe toàn thân.
+ Bác sĩ y học hạt nhân, bác sĩ xạ trị ung thư, bác sĩ gây mê thăm bệnh nhân và kết luận: bệnh nhân có chỉ định điều trị theo phương pháp này
+ Bệnh nhân và gia đình được giải thích về quy trình, thời gian, tiên lượng…
+ Tối trước ngày làm thủ thuật, bệnh nhân ăn nhẹ và được sử dụng thuốc thụt tháo.
+ Không ăn hay uống bất cứ thứ gì sau 12 giờ đêm trước ngày thực hiện thủ thuật.
+ Sáng hôm làm thủ thuật: không ăn sáng.
+ Nếu khát, bệnh nhân có thể uống một vài ngụm nước lọc.
- Tiến hành điều trị:+ Cấy hạt I-125 được tiến hành trong phòng mổ để đảm bảo vô trùng.
+ Vệ sinh sạch sẽ da vùng tầng sinh môn.
+ Kiểm tra lại ống hậu môn, nếu cần thì thụt tháo đại trực tràng lần nữa.
+ Bác sĩ gây mê thăm khám lần nữa.
+ Đo rà ô nhiễm phóng xạ trước khi cấy hạt.
+ Gây mê, hoặc gây tê tùy theo từng bệnh nhân cụ thể.
+ Cấy hạt phóng xạ dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò đặt tại trực tràng: xác định vị trí, ranh giới, hình dạng, thể tích khối u. Sau đó cấy hạt I-125 theo đúng vị trí đã lập kế hoạch trước đó.
+ Kiểm tra lại vị trí hạt bằng siêu âm ngay sau khi cấy hạt cuối cùng, khi đầu dò siêu âm vẫn trong trực tràng.
+ Chụp X-quang kiểm tra lại vị trí hạt I-125 ngay tại phòng mổ.
+ Bệnh nhân được soi bàng quang và kiểm tra sau cấy hạt.
+ Đo rà ô nhiễm phóng xạ.
Tại Việt Nam, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật này từ năm 2015. Bước đầu đánh giá hiệu quả và tính an toàn phương pháp cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Bạch Mai được công bố tại Tạp chí Ung thư học Việt Nam (Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM, lần thứ 22, năm 2019) cho thấy: 8 bệnh nhân được áp dụng phương pháp này, sau 3 tháng đã có đáp ứng tốt, không bệnh nhân nào gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương (sưu tầm)
Hồng Nhung (tổng hợp)
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com