ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI DI CĂN HẠCH TRUNG THẤT, DI CĂN XƯƠNG, KHÔNG CÓ ĐỘT BIẾN GEN, PD-L1 ÂM TÍNH

Ngày đăng: 08/10/2020 Lượt xem 6243

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI DI CĂN HẠCH TRUNG THẤT, DI CĂN XƯƠNG, KHÔNG CÓ ĐỘT BIẾN GEN, PD-L1 ÂM TÍNH

GS.TS Mai Trọng Khoa, TS Vũ Hữu Khiêm, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, PGS. TS Trần Đình Hà

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân Nguyễn Q. H, nam, 64 tuổi

Địa chỉ: Hà Nam

Vào viện tháng 7/2018 với lý do đau cột sống lưng

Bệnh diễn biến 2 tháng, bệnh nhân (BN) đau cột sống lưng, đi lại khó khăn. Chụp MRI cột sống lưng phát hiện tổn thương phá hủy xương cột sống lưng 8-10, các bác sỹ đã tiến hành sinh thiết tổn thương cột sống để xác chẩn bệnh. Kết quả sinh thiết được ghi nhận là ung thư biểu mô tuyến di căn, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu Bạch Mai để tiếp tục chẩn đoán và điều trị.

            Bệnh nhân đã được tiến hành các xét nghiệm sâu hơn, nhuộm Hóa mô miễn dịch khối sinh thiết, kết quả là ung thư biểu mô tuyến có nguồn gốc từ phổi.

Về tiền sử: bệnh nhân (BN) bị cao huyết áp 5 năm, với HA lúc cao nhất 150/100 mg, hiện đã được điều trị ổn định, với Amlor 5 mg/ ngày.

Khám lúc vào viện:

  • Bệnh nhân tỉnh táo
  • Không thở nhẹ, không sốt
  • Đau cột sống lưng vị trí D8-10, hạn chế vận động, đi lại khó khăn
  • Mạch 80 lần / phút ; Huyết áp: 120/70mmHg.
  • Hạch ngoại vi không sờ thấy
  • Phổi: rì rào phế nang 2 bên rõ, không có hội chứng 3 giảm
  • Cơ quan khác: Chưa phát hiện gì bất thường

Các đánh giá cận lâm sàng:

-          Xét nghiệm về chỉ điểm khối u tăng cao:

CEA: 88,8 mmol/l

CA 19.9, Cyfra 21.1: bình thường

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não: không có tổn thương thứ phát

- Nội soi dạ dày, soi đại tràng: bình thường

- Xét nghiệm các đột biến gen: EGFR, ALK, Ros1, BRAF, KRAS và dấu ấn miễn dịch PD-L1… Kết quả: EGFR âm tính, không có bộc lộ các dấu ấn miễn dịch PD-L1 âm tính.

- Bệnh nhân được tiến hành chụp PET/CT

Dưới đây là hình ảnh PET/CT của bệnh nhân:

3587 anh 1

3587 anh 2

3587 anh 3

Từ các kết quả thăm khám và các xét nghiệm trên, bệnh nhân được chẩn đoán xác định là : Ung thư phổi phải di căn hạch trung thất, di căn xương đa ổ

- Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến, không có đột biến gen yếu tố tăng sinh biểu mô EGFR

- Xếp giai đoạn: T2N2M1c – Giai đoạn IVb.

Về điều trị:

Bệnh nhân được thông qua hội đồng hội chẩn các bác sỹ đầu ngành về ung bướu xạ trị hóa chất, phẫu thuật, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, nội khoa nhằm đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Các biện pháp điều trị bao gồm:

-          Chống hủy xương Zometa

-          Xạ trị chống chèn ép vào cột sống lưng, liều 30 Gy, 3 Gy/ ngày

-          Điều trị toàn thân: Điều trị hóa chất phác đồ Peme- Cis

           Pemetrexed 500 mg /m2 ngày

            Cisplatin 75 mg/m2 ngày, chu kỳ 21 ngày

-          Điều trị bệnh kèm theo (cao Huyết áp: Amlor 5 mg/ ngày)

Kết quả điều trị sau 3 tháng:

- Lâm sàng:

Tình trạng chung ổn định, tăng cân, không đau lưng, không khó thở, ăn uống tốt, sinh hoạt vận động bình thường.

Bệnh nhân có thể đi làm bình thường, đi xe máy bình thường

Các tác dụng phụ thường gặp như nôn nhẹ, mệt mỏi tuy nhiên chỉ kéo dài trong khoảng 3-4 ngày sau truyền hóa chất.

-          Chất chỉ điểm ung thư (CEA) từ 98,4 giảm xuống mức gần bình thường 8,86 ng/ml

-          Bệnh nhân được tiến hành chụp PET/CT sau 4 đợt điều trị hóa chất, kết quả cho thấy khối u và hạch đã tiêu giảm gần hoàn toàn, các tổn thương di căn xương đã không còn tang hấp thu FDG

Dưới đây là hình ảnh chụp PET/CT sau 3 tháng điều trị với PEME – CIS:

 3587 anh 4

3587 anh 5

3587 anh 6

3587 anh 7

3587 anh 8

3587 anh 9

Kết thúc điều trị phác đồ PEME – CIS 4 chu kỳ, bệnh nhân đáp ứng tốt, bệnh nhân được chuyển sang duy trì với PEMETREXED đơn chất, bệnh ổn định. Hiện tại đã duy trì được 18 tháng:

-          Bệnh nhân không đau xương, không đau ngực, không khó thở, sinh hoạt bình thường, đi lại vận động tốt

-          Chỉ điểm u CEA dao động từ 8,9 – 10,5 ng/ml (trước điều trị 88,8 ng/ml)

Từ kết quả điều trị của bệnh nhân có thể nhận xét là:

Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, các tiến bộ về y học, đã cho ra đời nhiều thuốc chữa ung thư với hiệu quả cao, độc tính thấp, góp phần cải thiện tiên lượng bệnh ung thư này. Đó là sự ra đời cuả các thuốc nhắm trúng đích như Erlotinib, Gefitinib, Afatinib, Osimertinib, Crizotinib, Alectinib…; các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như Pembrolizumab, Atezolizumab… đã tạo bước ngoặt mới trong điều trị ung thư mang lại những hiệu quả điều trị cao đồng thời giảm thiểu các tác dụng phụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, việc điều trị ung thư phải đi vào cá thể hóa, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng được điều trị đích, điều trị miễn dịch; hóa trị vẫn là một phương pháp cơ bản để điều trị bệnh ung thư. Sự ra đời của các thuốc hóa trị mới như Pemetrexed, Nab-Palitaxel, TS-1… cũng góp phần cải thiện có ý nghĩa cho hiệu quả điều trị. Đây là ca bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, không vẩy giai đoạn tiến xạ, không có đột biến gen, không có bộc lộ dấu ấn miễn dịch, đáp ứng rất tốt với điều trị hóa chất phác đồ có Pemetrexed.

Tin liên quan