Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư

Ngày đăng: 17/08/2020 Lượt xem 3661

BSCKI. Trần Thu Hạnh (Tổng hợp và dịch)

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai

       Hiện nay, tình trạng thừa cân và béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển. Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2... và đặc biệt là một số loại ung thư bao gồm: ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, tuyến tiền liệt. Vì vậy, nhận thức đúng về tác hại của béo phì và mối liên quan giữa béo phì với bệnh ung thư có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát ung thư.

3555 anh 1

Thừa cân và béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây béo phì như: Lối sống, thói quen ăn uống sinh hoạt, bệnh lý rối loạn hormon, yếu tố di truyền, yếu tố kinh tế...

Để phân loại mức độ béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) theo công thức:

                     BMI = W (kg) / H (m2)                         W: cân nặng, H: chiều cao.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành có chỉ số BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân và BMI > = 30 được xem là béo phì.

 Thừa cân, béo phì có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư?

       Béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2017 (American Cancer Society), béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc lá và được các chuyên gia dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới. Hàng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó có 40% trường hợp có liên quan với các dấu hiệu thừa cân, béo phì.

       Tại Anh, cứ 20 người được chẩn đoán ung thư thì có 1 người bị béo phì. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh (Cancer Research UK), béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư mỗi năm và có xu hướng tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới.

     Điều đáng nói là kết quả khảo sát của Tổ chức Phòng chống Ung thư Anh (PRCP) cho thấy người dân chưa quan tâm và chưa có nhận thức đúng về mối liên hệ giữa béo phì và ung thư: Có đến 75% trong 3293 người tham gia không nghĩ rằng béo phì có thể gây ung thư.

     Béo phì không chỉ làm bạn mất tự tin mà nguy hiểm hơn, nó làm tăng nguy cơ phát triển rất nhiều loại ung thư khác nhau. Theo kết quả khảo sát của nhiều trung tâm nghiên cứu ung thư trên thế giới, tỷ lệ tăng nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư của người thừa cân, béo phì so với người bình thường như sau:

(1) Ung thư tử cung: 40% ung thư tử cung liên quan đến béo phì. Tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tử cung ở người béo phì là 4-7 lần so với người bình thường.

(2) Ung thư thực quản: tăng cao gấp 2-4 lần.

(3) Ung thư dạ dày: tăng cao gần gấp đôi

(4) Ung thư gan: tăng cao gấp đôi

(5) Ung thư thận: tăng cao gấp đôi

(6) Đa u tủy: tăng nguy cơ từ 15- 20%

(7) U màng não: tăng lên từ 25- 50%

(8) Ung thư tụy: tang cao gấp 1,5 lần

(9) Ung thư đại tràng: tăng cao hơn 30%

(10) Ung thư túi mật: tăng cao 60% , phụ nữ cao hơn nam giới

(11) Ung thư vú: trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng từ 20- 40%. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư vú ở nam giới

(12) Ung thư buồng trứng: tăng 10%

(13) Ung thư tuyến giáp: chỉ tăng nhẹ 10%.

3555 anh 2

Cơ chế gây ung thư là gì?

     Chất béo trong cơ thể có hai chức năng chính: Dự trữ năng lượng và liên tục lan truyền thông tin và chỉ dẫn đến phần còn lại của cơ thể. Những thông tin này có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng tế bào, phản ứng hóa học trong tế bào và chu kỳ sinh sản của cơ thể. Khi có quá nhiều chất béo trong cơ thể, những tín hiệu được truyền đi xung quanh cơ thể có thể gây ra các rối loạn, là nguồn gốc gây ung thư. Các nghiên cứu cho đến nay đã xác định được khá nhiều cơ chế gây ra ung thư do béo phì, trong đó có 3 cơ chế chính bao gồm:

- Quá trình viêm: khi có nhiều tế bào mỡ trong cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt tăng tiết cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm mạn tính, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn, khi xảy ra trong một thời gian dài có thể gây ra tổn thương DNA dẫn đến ung thư. Ví dụ: viêm cục bộ mạn tính gây ra bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản có khả năng gây ung thư biểu mô tuyến thực quản. Béo phì là một yếu tố nguy cơ sỏi mật, đặc trưng bởi tình trạng viêm túi mật mãn tính, có nguy cơ gây ung thư túi mật.

- Hormone tăng trưởng: Quá nhiều chất béo trong cơ thể có thể làm tăng lượng insulin và các yếu tố tăng trưởng khác giống như insulin-1 (IGF-1). (Tình trạng này được gọi là hyperinsulinemia hoặc kháng insulin, tiền đề của bệnh tiểu đường type 2.) Mức độ cao insulin và IGF-1 làm cho các tế bào phân chia thường xuyên hơn. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.

- Hormon giới tính - sau thời kỳ mãn kinh: Mô mỡ trong cơ thể tạo ra lượng estrogen dư thừa. Estrogen do tế bào mỡ tạo ra có thể làm cho tế bào phân chia nhanh hơn ở vú và nội mạc tử cung (hai loại ung thư liên quan chặt chẽ nhất với béo phì), làm tăng nguy cơ gây đột biến các tế bào và ung thư.

- Ngoài ra, các tế bào mỡ tạo ra Adipokine, hormon có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển tế bào. Tế bào mỡ cũng có thể có tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều hòa tăng trưởng tế bào khác, bao gồm mTOR và AMP-activated protein kinase.

 

Phòng chống béo phì cũng chính là phòng chống ung thư.

     Để phòng chống béo phì và các bệnh ung thư liên quan đến béo phì, một trong những yếu tố quan trọng nhất là duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Để kiểm soát cân nặng, trước hết cần có lối sống lành mạnh, tích cực, tang cường vận động, chế độ ăn cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao trong ngày.

Cần thực hiện tốt các khuyến nghị sau:

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt.

- Hạn chế ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật, đồ ăn có nhiều năng lượng như thức ăn nhanh, đồ ăn và đồ uống có nhiều đường, đồ rán xào.

- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá thuốc lào

- Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay... Tập thể dục ít nhất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

 3555 anh 3

Tài liệu tham khảo:

1, https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/causes-of-cancer/obesity-weight-and-cancer/does-obesity-cause-cancer

2, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3773450/

3, https://www.theguardian.com/society/2017/feb/28/increased-risk-of-11-types-of-cancer-linked-to-being-overweight-researchers-warn

4, https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/diet-physical-activity/body-weight-and-cancer-risk/effects.html

5, https://www.wcrf.org/dietandcancer/exposures/body-fatness

6, https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/obesity/obesity-fact-sheet#q3

7, https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/prevention-and-healthy-living/obesity-weight-and-cancer-risk

8, https://suckhoedoisong.vn/beo-phi-can-nguyen-cua-dai-thao-duong-va-ung-thu-n122366.html



Tin liên quan