Vấn đề bảo tồn chức năng sinh sản ở bệnh nhân điều trị ung thư

Ngày đăng: 14/09/2020 Lượt xem 2677

Vấn đề bảo tồn chức năng sinh sản ở bệnh nhân điều trị ung thư 

ThS.BSNT. Bùi Bích Mai

Đơn vị Gen – Tế bào Gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bài Tổng hợp)

Hiện nay, số người mắc ung thư vẫn đang ngày càng tăng. Trong số đó, bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản và ung thư ở trẻ em chiếm một phần không hề nhỏ. Khoảng 40-80% phụ nữ phải đối mặt với vấn đề vô sinh sau điều trị ung thư bằng các phương pháp như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Mặt khác, cùng với sự phát triển của y học trong điều trị ung thư, thời gian sống còn và ổn định bệnh sau điều trị ngày càng được cải thiện đã tạo ra nhu cầu về bảo tồn khả năng sinh sản. Do đó, việc điều trị ung thư hiện nay không chỉ dừng lại việc “mang lại cuộc sống” mà nên là “mang lại chất lượng cuộc sống” cho bệnh nhân ung thư.

Bảo tồn sinh sản về bản chất là bảo tồn khả năng duy trì nòi giống của một cá nhân hoặc một cặp vợ chồng trước các phương pháp điều trị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. “Oncofertility” là một thuật ngữ được đặt ra để nói về sự bảo tồn khả năng sinh sản ở bệnh nhân ung thư. Các phương pháp bảo tồn sinh sản phổ biến hiện nay bao gồm trữ đông phôi, trữ đông noãn/ tinh trùng, trữ đông mô buồng trứng/mô tinh hoàn,…Theo nhiều nghiên cứu hiện tại cho thấy, đối với hầu hết các loại ung thư, thai kỳ sau điều trị không làm tăng nguy cơ tiến triển ung thư hay có các vấn đề đặc biệt trong quá trình thai sản cũng như về sức khỏe của đứa con sau này. Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về các lựa chọn trong vấn đề bảo tồn khả năng sinh sản khác nhau có tham khảo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) bản cập nhật mới nhất năm 2018.

Đối với bệnh nhân là phụ nữ trưởng thành

Trữ đông phôi được chỉ định ở những bệnh nhân đã có người hôn phối hoặc đồng ý sử dụng tinh trùng hiến tặng. Ở một số nước, việc trữ đông phôi không được chấp nhận ở trẻ em đã dậy thì. Chỉ định trữ đông noãn với những bệnh nhân chưa/không có người hôn phối, không đồng ý sử dụng tinh trùng hiến tặng hoặc những bệnh nhân thất bại với phương pháp trữ đông phôi.

Ở bệnh nhân có chỉ định hóa trị trong điều trị ung thư, các chuyên gia về sinh sản sẽ tư vấn các kỹ thuật trữ đông (trữ phôi, noãn) cho bệnh nhân có nhu cầu sinh đẻ trước khi sử dụng hóa chất điều trị. Thời gian sau phẫu thuật đến lúc có chỉ định điều trị hóa chất thường từ 4-6 tuần. Đây là khoảng thời gian đủ cho từ 1- 2 chu kỳ kích và lấy trứng. Với những bệnh nhân ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, trong quá trình kích trứng được khuyến cáo duy trì liều Estrogen tối thiểu nhất và kiểm soát bệnh bằng các thuốc nhóm ức chế men Aromatase (Letrozole, Anastrozole) hoặc Tamoxifen. Đối với những bệnh nhân cần điều trị hóa trị trước khi phẫu thuật, có nghĩa là không đủ thời gian để kích trứng và trữ đông, khuyến cáo bảo quản noãn là một biện pháp bảo tồn được chức năng sinh sản song hiệu quả thành công không cao bằng phương pháp trữ đông phôi.

3559 anh 1

 

Hình 1: Kỹ thuật trữ đông bằng nitơ lỏng

Buồng trứng không chỉ là cơ quan sinh sản mà còn là cơ quan tạo ra nội tiết tố quan trọng của phụ nữ. Với những bệnh nhân cần xạ trị, nhất là trong những trường hợp xạ trị vùng bụng, vùng chậu hông, vùng thấp thắt lưng cột sống,… chuyển vị buồng trứng ra ngoài trường chiếu xạ, che chắn buồng trứng, ghép tự thân buồng trứng tươi đến chi trên là những phương pháp giảm teo buồng trứng cũng như bảo tồn tối đa các nang trứng khỏe mạnh.

Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể. Với những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung bảo tồn tử cung, bệnh nhân khi sinh sẽ phẫu thuật lấy thai. Một ví dụ khác với trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn sớm khu trú một bên, chỉ định phẫu thuật bảo tồn buồng trứng bên còn lại để duy trì khả năng sinh sản cũng như tránh suy buồng trứng gây mãn kinh sớm sau này.

Bảo quản mô buồng trứng tính đến thời điểm này là thử nghiệm, song trong tương lai chỉ định này sẽ phù hợp với những phụ nữ dưới 35 tuổi chưa có con và có ít nhất trên 50% nguy cơ suy buồng trứng sau điều trị ung thư (Tiêu chuẩn Edinburgh).

Điều trị nội khoa bằng cách sử dụng các thuốc đồng vận GnRH không được khuyến cáo là phương pháp bảo tồn sinh sản ban đầu vì điều trị này không ưu thế hơn các phương pháp trữ đông. Chỉ trong các trường hợp không thể tiến hành trữ đông, một số bác sỹ điều trị có thể cung cấp thuốc đồng vận GnRH để bảo tồn chức năng buồng trứng. Hiện nay, cơ chế bảo vệ buồng trứng khỏi tác động hóa trị của các thuốc này chưa được giải thích thỏa đáng xong đây vẫn có thể là một giải pháp khi các phương pháp trữ đông không khả thi.

Đối với bệnh nhân là nam giới trưởng thành

Theo khuyến cáo của ASCO, trước khi điều trị ung thư, tất cả nam giới còn có nhu cầu sinh sản nên được tham vấn về bảo tồn sinh sản càng sớm càng tốt trước khi tiến hành điều trị. Sau khi điều trị với hóa trị hay xạ trị, vật chất di truyền của tinh trùng sẽ bị phá hủy gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, bên cạnh đó có thể có trường hợp dẫn đến vô sinh vĩnh viễn. Trữ đông tinh trùng là phương pháp phổ biến và được khuyến cáo với nam giới sau khi đã dậy thì. Tinh trùng được bảo quản sau này sẽ sử dụng để thực hiện các phương pháp như Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), Thụ tinh nhân tạo (IVF) hoặc chỉ cẩn một lượng tinh trùng rất nhỏ có thể thực hiện được phương pháp Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).

 3559 anh 2

Hình 2: Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)

Đối với các ung thư ở trẻ em chưa dậy thì

Bảo quản mô tinh hoàn và mô buồng trứng là các phương pháp vẫn đang được nghiên cứu. Mô tinh hoàn hoặc buồng trứng sẽ được phẫu thuật lấy ra, bảo quản đông lạnh và sẽ được cấy ghép lại vào cơ thể sau hóa trị hoặc xạ trị. Phương pháp này không đòi hỏi sự trưởng thành về sinh dục nên được coi là phương pháp duy nhất phù hợp với trẻ em hiện nay.

Để hỗ trợ bảo tồn sinh sản đạt hiệu quả cao nhất và có lợi ích nhất cho bệnh nhân, để duy trì được nhiều phương pháp bảo tồn sinh sản nhất các chuyên gia khuyến cáo việc thảo luận với các bác sỹ về hỗ trợ sinh sản trước điều trị ung thư nên tiến hành càng sớm càng tốt. Mặc dù không phải phương pháp nào cũng sẽ thích hợp với đối tượng được chỉ định, khi đưa ra quyết định người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn như tình hình kinh tế chi trả cho các phương pháp bảo tồn và hỗ trợ sinh sản sau đó, hiệu quả của các phương pháp mang lại hay chính tâm trạng căng thẳng trước điều trị ung thư cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo tồn sinh sản. Lựa chọn cuối cùng sẽ do người bệnh và gia đình quyết định và các cuộc thảo luận dù có kết quả ra sao cũng sẽ giảm phần nào những lo lắng của bệnh nhân cũng như cung cấp các giải pháp tối ưu nhất cho người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Blatt J. Pregnancy outcome in long-term survivors of childhoodMed Pediatr Oncol. 1999;33:29–33
  2. Noyes N, Melzer K, Druckenmiller S, Fino ME, Smith M, Knopman JM. Experiences in fertility preservation: Lessons learned to ensure that fertility and reproductive autonomy remain options for cancerJ Assist Reprod Genet. 2013;30:1263–70.
  3. Taylan E, Oktay KH. Current state and controversies in fertility preservation in women with breast cancer. World J Clin Oncol 2017; 8:241
  4. Logan S, Perz J, Ussher J, et al. Clinician provision of oncofertility support in cancer patients of a reproductive age: A systematic review. Psychooncology 2018; 27:748
  5. Oktay K, Harvey BE, Partridge AH, et al. Fertility Preservation in Patients With Cancer: ASCO Clinical Practice Guideline Update 2018.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan