Ca lâm sàng: Điều trị bướu nhân độc tuyến giáp bằng I-131 ở bệnh nhân tăng men gan sau điều trị thuốc kháng giáp tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

Ngày đăng: 18/01/2024 Lượt xem 993

Ca lâm sàng: Điều trị bướu nhân độc tuyến giáp bằng I-131 ở bệnh nhân tăng men gan sau điều trị thuốc kháng giáp tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai

     GS.TS Mai Trọng Khoa, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, TS. Phạm Văn Thái, TS. Nguyễn Thanh Hùng, BSNT. Mai Thị Quỳnh

                                     Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai

                                                                                             Trường Đại học Y Hà Nội

                                                     Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội

 Bướu nhân độc tuyến giáp hay nhân độc tự trị (autonomously functioning thyroid nodules) là bệnh lý hay gặp, chiếm 15-30% trong các bệnh lý gây cường giáp, chỉ sau Basedow. Ở vùng thiếu hụt iod, bướu nhân độc tuyến giáp gặp với tỷ lệ cao hơn, có thể là đơn nhân (single toxic nodular goiter), cũng có thể là đa nhân (multiple toxic nodular goiter). Bệnh gặp nhiều ở nữ giới, tuổi trên 40.

Các phương pháp chính để điều trị bệnh bướu nhân giáp nhiễm độc là: thuốc kháng giáp tổng hợp, phẫu thuật và điều trị bằng I-131, trong đó điều trị bằng I-131 có nhiều ưu điểm và là phương pháp điều trị được lựa chọn hiện nay.

Cơ chế tác dụng bệnh nhân được dùng I-131 bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, I-131 vào máu sẽ tập trung tương đối đặc biệt vào nhân cường năng của tuyến giáp và tia β do I-131 phát ra sẽ phát huy tác dụng tại chỗ mà ít ảnh hưởng đến nhu mô tuyến lành xung quanh. Các tế bào ưu năng của nhân sẽ bị phá huỷ, bị tổn thương cấu trúc do tia bức xạ dẫn đến giảm sinh và chết dần, các vi mạch nuôi nhân sẽ bị xơ hoá giảm tưới máu. Kết quả là nhân sẽ biến mất hoặc nhỏ lại, chức năng chung của tuyến giáp sẽ về bình thường.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp lâm sàng bệnh nhân có nhân độc tuyến giáp điều trị I-131.

Họ và tên: H. T. T. H                         Giới: Nữ                          Tuổi: 28

Lý do vào viện: Cách vào viện hai tháng, bệnh nhân xuất hiện khối vùng cổ to dần, thỉnh thoảng hồi hộp, đánh trống ngực, run 2 tay, không đau ngực, không khó thở. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện Nội tiết trung ương được chẩn đoán: Nhân độc tuyến giáp- Viêm gan B- Tăng men gan, bệnh nhân được điều trị Thyrozol 10mg, Concor 2,5mg/ ngày, Tenofovir 25mg, Silymarin 150mgx 2 lần uống trong 10 ngày. Bệnh nhân đi kiểm tra lại tại Bệnh viện Bạch Mai thấy còn triệu chứng cường giáp, men gan còn tăng cao.

Tình trạng lúc vào viện:

Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt

Không đau ngực

Không khó thở

Hồi hộp, đánh trống ngực

Run 2 tay biên độ nhỏ, tần số nhanh

Thể trạng trung bình: chiều cao: 155cm, cân nặng: 55 kg

Da niêm mạc hồng

Tuyến giáp: khối thùy phải tuyến giáp kích thước 3x2cm, chắc, di động theo nhịp nuốt, ấn không đau, không thấy tiếng thổi.

Hạch ngoại ngoại vi không sờ thấy.

Mạch: 80l/p, Huyết áp: 120/80mmHg

Tim đều, T1T2 nghe rõ, không thấy tiếng tim bệnh lý.

Phổi rì rào phế nang rõ, không ran.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

- Công thức máu: Hồng cầu: 4,73 T/L, Bạch cầu: 5,4 G/L, Bạch cầu đa nhân trung tính: 2,6 G/L, Tiểu cầu: 211 G/L (trong giới hạn bình thường )

Hóa sinh máu:

Trước khi điều trị Thyrozol (làm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương):

GOT: 54,9 U/L, GPT: 95,5 U/L (tăng)

Sau điều trị Thyrozol:

Creatinin 47mmol/l, GOT: 112 U/L, GPT: 223 U/L (tăng cao), Bilirubin toàn phần: 9,1 mmol/l, Bilirubin trực tiếp: 2,4 mmol/l, Albumin: 40,8 g/l

- Đánh giá chức năng tuyến giáp: FT4: 28,6 pmol/l (bình thường: 12-22 pmol/l), TSH: 0,005mU/mL (bình thường: 0,27-4,2mU/mL)

- Siêu âm tuyến giáp:

+ Thùy phải: Kích thước (3,11 x 1,78 x 5,09) cm, chiếm gần hết toàn bộ thùy là nhân lớn đồng âm, không vôi hóa, không tăng sinh mạch (TIRAD 3).

+ Thùy trái: Kích thước (1,5 x 1,09 x 3,86) cm, đậm độ echo đều, đồng âm, không có hình ảnh nhân.

+ Eo: bình thường.

           Kết luận: Nhân thùy phải tuyến giáp.

 3753 anh 1

Hình 1: Nhân đồng âm kích thước lớn thùy phải tuyến giáp. ( mũi tên đỏ)

- Độ tập trung với I-131: sau 2 giờ: 44% ( tăng), sau 24 giờ: 53,2% ( tăng)

Xạ hình tuyến giáp với Tc-99m trước điều trị:

+ Tuyến giáp ở vị trí bình thường.

+ Thùy phải và thùy trái kích thước bình thường, hình ảnh tăng hoạt tính phóng xạ khu trú ở thùy phải tuyến giáp gây át chế phần còn lại của nhu môn tuyến.

Kết luận: Hình ảnh nhân nóng ở thùy phải tuyến giáp.

 3753 anh 2

Hình 2: Hình ảnh xạ hình thuyến giáp với Tc-99m: Nhân “ nóng” thùy phải tuyến giáp( mũi tên xanh).

Chẩn đoán xác định: Nhân độc thùy phải tuyến giáp/ Viêm gan B- Tăng men gan.

- Xử trí: Bệnh nhân được hội chẩn hội đồng chuyên môn: có chỉ định điều trị I-131 liều 6,5 mCi, kèm thuốc làm giảm nhịp tim BetalocZok 25mg kết hợp với thuốc kháng virus Tenoforvir 25mg, thuốc bảo vệ và phục hồi chức năng gan Silymarin 300mg

Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu bệnh viện Bạch Mai.

Tóm lại: Trong điều trị bướu nhân tuyến giáp nhiễm độc bằng I-131 là phương pháp được ưu tiên lựa chọn do có nhiều ưu điểm, hiệu quả điều trị cao, an toàn, kinh tế và rất ít biến chứng. Mục đích là đưa chức năng tuyến giáp trở về bình thường, hết nhân cường năng hoặc nhân nhỏ lại.

 Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan