Y học hạt nhân nhi khoa

Ngày đăng: 12/07/2010 Lượt xem 4942

Trước kia người ta thường lo ngại việc sử dụng thuốc phóng xạ ở trẻ em có hầu hết các  số kỹ thuật YHHN chỉ gây ra liều chiếu xạ thấp hơn các kỹ thuật chụp tia X. Vì vậy người ta thường phải cân nhắc giữa mặt lợi và hại mà kỹ thuật chẩn đoán bằng phóng xạ đem lại cho trẻ em. Trong nhiều trường hợp việc áp dụng một số kỹ thuật YHHN đã đem lại nhiều lợi ích cho lâm sàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân trẻ em. Dưới đây là một số kỹ thuật YHHN thường được áp dụng cho trẻ em:

Bệnh nhân nam 16 tuổi có triệu chứng đau lưng, HLA B27 dương tính. Trên hình ảnh CT thấy bất thường giống nhau ở hai bên nhưng chỉ phía bên trái đốt sống L5 có tăng hoạt độ. SPECT/CT chẩn doán xác định chỉ có bất thường chuyển hóa ở bên trái.( Nguồn: Bệnh viện British Columbia Children)

Trẻ em ghi hình PET/CT

1. Y học hạt nhân (YHHN) chẩn đoán một số bệnh thận trẻ em

Trẻ mới sinh có thể có những bất thường ở thận và hệ thống tiết niệu như bị những dị tật, dị dạng... Những bệnh này thường xuất hiện do sự phát triển thai nhi không bình thường. Một số dị dạng này có thể không gây ra những biến chứng. Tuy nhiên có một số lại gây ra một hoặc hai thận mất chức năng…. Khi nghi có cấu trúc thận bất thường hoặc các xét nghiệm chứng tỏ thận hoạt động kém thì kỹ thuật YHHN thường được chỉ định.

Một trong những bất thường nữa của trẻ là một phần tắc hay tắc toàn bộ đường niệu quản. Điều này có thể làm cho thận to ra, có thể gây đau. Khám lâm sàng hoặc chụp X thường quy cũng có thể phát hiện thấy thận to. Tuy nhiên có thể nhầm với một nguyên nhân gây tắc giả ở đường dẫn niệu. Khi có nghi ngờ tắc đường dẫn niệu thì nên chỉ định ghi hình thận bằng kỹ thuật YHHN (xạ hình thận).

Ghi hình thận sử dụng một loại thuốc phóng xạ mà nó sẽ đi theo con đường đào thải qua thận vào nước tiểu. Đó là MAG3. Chất này được bài tiết rất nhanh qua thận. Khi có một đường dẫn niệu bị tắc thì thuốc MAG3 bị tích lũy lại. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thận nguyên phát thì thận có thể bị to ra và nước tiểu chảy xuống bị chậm lại.

Bằng kỹ thuật kết hợp thuốc Diuretic (một loại thuốc làm tăng tốc độ đào thải) với MAG3 để ghi hình thận, ghi đồ thị thận (thận đồ đồng vị) ta sẽ có được hình ảnh rõ ràng về nguyên nhân này. Nếu sau khi cho Diuretic mà MAG3 thải nhanh hơn thì phẫu thuật là không cần thiết. Ngược lại, MAG3 vẫn không thải được thì rõ ràng cần phải can thiệp ngoại khoa.

Ở trẻ có một thận hoạt động và đủ để thay cho thận hư bên kia thì có thể mổ cắt bỏ, thận còn lại vẫn đảm nhiệm được chức năng sống bình thường của trẻ. Trẻ còn một thận được kiểm tra bằng thận đồ phóng xạ để đánh giá chức năng có tốt hơn hay đã bị kém đi.

2. Chẩn đoán bàng quang trào ngược

Trẻ em thường có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn ở người lớn. Một trong những yếu tố bẩm sinh để nhiễm trùng là bàng quang trào ngược, nghĩa là nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên thận. Nhiều trẻ em có thể phát triển bình thường mà không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ bị nhiễm trùng tái phát nên rất dễ làm ảnh hưởng chức năng thận. Nếu trẻ em không hồi phục, nhiễm trùng liên tục thì phẫu thuật để cấy lại niệu quản.

Ghi hình bàng quang bằng YHHN rất cần để xác định hiện tượng trào ngược niệu quản. Nghiệm pháp có thể được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú. Khi làm cần phải đặt ống thông nhỏ vào bàng quang để cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Ống thông đó dùng để cho thuốc phóng xạ vào bàng quang được pha thêm dung dịch nước muối sinh lý. Nếu có bị trào ngược thì có thể phát hiện được qua ghi hình bằng gamma camera, SPECT. Vì liều phóng xạ cho trẻ em rất thấp nên có thể kiểm tra ở nhiều thời điểm khác nhau để đánh giá xem trào ngược do tiên phát hay thứ phát.

Chuẩn bị bệnh nhân ghi hình bàng quang: Không đòi hỏi gì đặc biệt. Chỉ cần bố mẹ bệnh nhân cùng với trẻ duy trì yên tĩnh trong quá trình thực hiện quy trình.

3. Ghi hình u nguyên bào thần kinh

U nguyên bào thần kinh là một bệnh có thể gặp ở trẻ em. Khối u này thường xuất hiện ở vùng tuyến thượng thận. Tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong cơ thể. Việc định vị u này là rất quan trọng. Các phương pháp ghi hình thông thường như CT cũng có thể phát hiện được khối u. Tuy nhiên một số khối u nhỏ nằm ở một nơi khuất thì rất khó phát hiện được. Để xác định điều trị cho bệnh nhân u nguyên bào thần kinh cần phải ghi hình phát hiện các vị trí của u. Để ghi hình khối u này người ta dùng MIBG đánh dấu phóng xạ. Ghi hình YHHN rất có lợi trong chẩn đoán và theo dõi sau điều trị u nguyên bào thần kinh.

Chuẩn bị bệnh nhân ghi hình MIBG.

Thuốc phóng xạ là MIBG, tiêm tĩnh mạch. Có rất ít chất làm nhiễu MIBG. Tuy nhiên, MIBG vẫn bị tích lũy ở ruột trong một thời gian, nên cần thiết phải dùng nhuận tràng để ghi hình ở pha muộn. Bình thường ghi hình sau 24-48 giờ sau tiêm. Một quy trình ghi hình có thể mất một giờ hoặc hơn. Cần thiết phải gây mê nhẹ  và giảm đau để giảm di động trong thời gian ghi hình.

4. Ghi hình xương trẻ em

Ở người lớn thì lợi ích chính của ghi hình xương là phát hiện sự di căn của ung thư hoặc ung thư xương nguyên phát…. Đối với trẻ em, ghi hình xương rất cần cho việc phát hiện các tổn thương xương do ung thư và một số bệnh lý về xương khác, nhất là trong phẫu thuật chỉnh hình.

Viêm các đốt sống, thoái hóa cột sống vẫn có thể gặp ở trẻ em, nhất là ở những trẻ em tập điền kinh. Khi trẻ bị đau lưng và chụp tia X thấy bình thường, thì ghi hình xương là cần thiết. Ghi hình xương trong YHHN dễ nhận ra những điểm đau hoặc gãy xương không hoàn toàn, ngay cả khi trên phim X-quang không thấy.

Một đóng góp quan trọng của ghi hình YHHN là giúp phát hiện các tổn thương xương giai đoạn rất sớm ở những trẻ em bị đánh đập và lạm dụng. Việc chứng minh bằng tư liệu cho trẻ bị lạm dụng, bị đánh đập thường là rất khó. Khi gãy xương hỗn hợp đã lành có thể được nhận ra trên phim X-quang, thì có thể nghi ngờ là trẻ bị lạm dụng. Tuy nhiên, nó cần phải mất một thời gian sau gãy mới có thể xuất hiện hình ảnh này. Ghi hình xương bằng YHHN có thể nhanh chóng nhận ra trước khi có thay đổi trên X-quang. Vì vậy trẻ bị đánh đập sẽ được chẩn đoán sớm để phát hiện tổn thương. Trên hình ghi bằng YHHN nếu thấy nhiều hình ảnh bất thường của xương sườn hoặc nhiều vùng tăng hoạt tính phóng xạ theo các xương dài thì có thể nghi là trẻ bị đánh đập.

Các nhiễm trùng và viêm xương ở trẻ em cũng là loại bệnh lý thường gặp. Ghi hình xương được thực hiện ở nhiều trường nhìn, có thể ghi hình trong vòng 24 giờ ở nhiều thời điểm. Điều này giúp cho phát hiện sớm để có phác đồ điều trị thích hợp. Ngày nay phương pháp ghi hình xương để chẩn đoán nhiễm trùng xương rất có hiệu quả trong điều trị mặc dù trên X-quang chưa hề có thay đổi gì.

Đau trong háng (HIP) có thể biểu hiện một bệnh đặc biệt là bệnh Legg-Perthe. Trong bệnh này là phần trên xương của khớp háng, bắt đầu bị thoái hóa. Sự thay đổi sớm của bệnh này có thể thấy được trên hình ảnh của ghi hình xương bằng YHHN và có thể theo dõi kiểm soát được sự tiến triển của bệnh trong điều trị.

5 . Ghi hình xoắn tinh hoàn

Trẻ em trước 13 tuổi hay dưới 19 tuổi tuổi tinh hoàn có thể bị xoắn trên mạch nuôi của nó. Hiện tượng này được gọi là xoắn tinh hoàn.

Khi bị xoắn tinh hoàn,  trẻ thường kêu đau nhiều ở vùng bẹn hoặc tinh hoàn, có thể có hoặc không bị sưng tấy, phồng. Bệnh thường phải can thiệp bằng ngoại khoa. Tuy nhiên đôi khi cũng có trường hợp giả xoắn. Thông thường nó có thể tự thu hẹp lại hoặc có đáp ứng điều trị bằng kháng sinh. Ngoại khoa không cần can thiệp trong trường hợp này.

Ghi hình tưới máu bằng kỹ thuật YHHN trong xoắn tinh hoàn có thể phân biệt được xoắn tinh hoàn, và loại trừ được viêm mào tinh. Trong xoắn tinh hoàn thì dòng chảy của mạch nuôi giảm (khuyết về HTPX trên tinh hoàn). Còn trong viêm mào tinh hoàn thì dòng chảy tăng (tưới máu tăng) sớm hơn sau cơn đau. Điều quan trọng là khi trẻ kêu đau ở tinh hoàn cần phải nhanh chóng đưa đến bác sỹ để xác định xem cần phải ghi hình YHHN hay can thiệp điều trị.

PGS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Trần Xuân Trường

 

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Tin liên quan