Ca lâm sàng: Ung thư phổi hiệu quả và thách thức

Ngày đăng: 18/12/2018 Lượt xem 2132
Ca lâm sàng: Ung thư phổi hiệu quả và thách thức

GS. TS. Mai Trọng Khoa, TS. Nguyễn Quang Hùng
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh cảnh:

Bệnh nhân Cao Thị V, nữ 69 tuổi. Địa chỉ: Hải Dương
Vào viện: với lý do ho kéo dài, gầy sút cân

Bệnh sử: Cách ngày vào viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện ho khan, ho thành từng cơn, điều trị kháng sinh không đỡ. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện được chụp Xquang lồng ngực chẩn đoán viêm phổi. Sau đó được chỉ định điều trị kháng sinh, sau 1 tuần uống thuốc, bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân mệt nhiều hơn, gầy sút 5kg, vận động khó thở. Bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh khám, được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện khối u thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân xin chuyển Bệnh viện Bạch Mai để được chẩn đoán xác định và điều trị.

Tiền sử: Bản thân khỏe mạnh, gia đình không ai bị bệnh ung thư

Khám lúc vào viện: thể trạng gầy, cao 1m50 nặng 48kg, da bình thường, niêm mạc hơi nhợt, hạch ngoại vi không sờ thấy, nghe phổi rale nổ đáy phổi phải. Xét nghiệm đánh giá bilan toàn thân như huyết học, sinh hóa, dấu ấn ung thư, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ sọ não…

Kết quả cho thấy:

Công thức máu, sinh hóa máu, đông máu cơ bản trong giới hạn bình thường

Siêu âm ổ bụng, điện tim, chụp cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương chưa phát hiện tổn thương di căn

Chất chỉ điểm khối u CEA 30ng/ml; Cyfra 16ng/ml

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: u thùy dưới phổi phải, kích thước 5,3 x 4,2cm, bờ tua gai, ngấm thuốc sau tiêm (mũi tên màu vàng)

 
Hình 1: Hình ảnh chụp CT lồng ngực. Khối u thùy dưới phổi phải

Sinh thiết u phổi xuyên thành ngực (kim sinh thiết màu trắng)



Xét nghiệm mô bệnh học: ung thư biểu mô tuyến,

  • Xét nghiệm sinh học phân tử: phát hiện đột biến gen EGFR
  • Chẩn đoán: Ung thư thùy dưới phổi phải, có đột biến EGFR
  • Điều trị: điều trị thuốc trúng đích kháng tyrosinkinase
  • Cụ thể: Tarceva 150mg x 1 viên uống hàng ngày
  • Kết quả đánh giá sau 6 tháng điều trị:
  • Toàn trạng bệnh nhân tốt, tinh thần thoải mái, ăn uống tốt, tăng 3 kg, không ho, không khó thở
  • Chất chỉ điểm ung thư giảm CEA còn 8ng/ml; Cyfra 4ng/ml

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực sau 6 tháng điều trị:

 
Hình 2: Hình ảnh chụp CT lồng ngực sau 6 tháng điều trị. Không còn thấy tổn thương u, hình ảnh viêm xơ, không ngấm thuốc

Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện ban sẩn nổi khắp người, nhiều nơi tập trung thành mảng, mưng mủ, đóng vẩy… làm giảm chất lượng sống.

Tại Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch mai, không ít những bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị đích, nhưng ban trên da xuất hiện chỉ mức độ nhẹ và sử dụng thuốc hỗ trợ có đỡ

Bệnh nhân Cao Thị V, mặc dù đã sử dụng thuốc chống dị ứng, kem bôi, kháng sinh, chống viêm, bổ sung các vitamin… song tình trạng ban trên da cải thiện ít. Như vậy, đối mặt với những bệnh nhân cơ địa xuất hiện nhiều ban sẩn khi sử dụng thuốc kháng tyrosinkinase, chúng ta cần cân nhắc giữa khả năng khống chế bệnh và chất lượng sống nên chúng tôi quyết định giảm liều Tarceva từ 150mg/ngày xuống còn liều 100mg/ngày đến khi ban trên da giảm trở về độ I hoặc II mới cân nhắc nâng liều trở về liều ban đầu 150mg/ngày.

Kết luận: Ung thư phổi biểu mô tuyến có đột biến EGFR, điều trị thuốc kháng tyrosinkinase là một lựa chọn mang lại hiệu quả. Tuy nhiên chúng ta cần kiểm soát tốt những tác dụng phụ không mong muốn để kiểm soát khối u và đảm bảo chất lượng sống.

Nguyễn Quang Hùng

Tin liên quan