Điều trị bệnh nhân sarcoma xương hiếm gặp ở người lớn
GS.TS. Mai Trọng Khoa, ThS. Thiều Thị Hằng
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Ung thư xương nguyên phát là loại ung thư xuất phát từ các thành phần của xương, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong ung thư (<0.2%). Có nhiều loại ung thư xương mà tên gọi dựa trên mô bệnh học của chúng. Trong đó sarcoma xương (35%), sarcoma sụn (30%) và sarcoma Ewing (16%) là 3 loại phổ biến nhất của ung thư xương. Sarcoma sụn phát sinh từ mô sụn, thường được phát hiện ở người trung tuổi trở lên. Còn sarcoma xương phát sinh từ mô xương và sarcoma Ewing là loại không rõ nguồn mô học thì thường phát triển ở trẻ em và người trẻ tuổi. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân sarcoma xương là 20 tuổi. Với những bệnh nhân trên 65 tuổi, sarcoma xương phát triển như bệnh ác tính thứ phát liên quan đến bệnh Paget.
Hầu hết các trường hợp Sarcoma xương, đau tại chỗ là triệu chứng đầu tiên. Lúc đầu thường đau ít và không liên tục, sau đau liên tục và kéo dài, toàn thân mệt mỏi. Đau tăng làm bệnh nhân hạn chế vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc của bệnh nhân. Có thể thấy các khối u kèm theo với đau, hay gặp tại xương dài, ở hành xương: đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, vị trí ít gặp hơn là đầu trên xương cánh tay, đầu trên xương đùi, có thể tổn thương các xương dẹt như xương chậu, xương bả vai. Ngoài ra, có các triệu chứng khác như teo cơ, sưng nề, gãy xương tự nhiên... Sarcoma xương lan tràn theo đường mạch máu, hay di căn tới phổi nhất, có thể có hoặc không có triệu chứng tại phổi.
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với cận lâm sàng như Xquang, CTscan, MRI, xạ hình xương, PET/CT, xét nghiệm LDH, ALP, mô bệnh học... đưa ra chẩn đoán xác định và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Tiên lượng bệnh dựa vào vị trí và kích thước khối u, tuổi của bệnh nhân, có di căn hay không, vị trí di căn, mô bệnh học để lựa chọn hóa trị hay phương pháp phẫu thuật và vùng phẫu thuật...
Dưới đây là 1 ca lâm sàng hiếm gặp đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai:
Bệnh nhân Đ.T.M, nam, 58 tuổi, khoảng 2 tháng trước vào viện xuất hiện đau vùng chậu hông bên phải, đau tăng dần, làm bệnh nhân hạn chế vận động chân phải, đi khám phát hiện khối u xương cánh chậu phải, đã được sinh thiết chẩn đoán là Sarcoma xương chậu phải, nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Tiền sử:
- Bản thân: Khỏe mạnh.
- Gia đình: Không ai mắc bệnh liên quan.
Thăm khám lúc vào viện:
- Toàn thân:
+ Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt.
+ Thể trạng trung bình, cao 170cm, nặng 65kg.
+ Da, niêm mạc hồng, hạch ngoại vi không sờ thấy.
+ Mạch 75 lần/phút, huyết áp 110/70mmHg
+ Nhiệt độ 37oC, nhịp thở 19 lần/phút.
- Bộ phận:
+ Khớp chậu hông bên phải đau, không sưng nề. Cơ đùi, cẳng chân bên phải teo nhỏ hơn bên trái, không tê bì, vận động chân phải hạn chế, bệnh nhân không đi lại được, cần hỗ trợ ngồi xe lăn. Sử dụng duy trì thuốc giảm đau hàng ngày.
+ Chân trái cảm giác, vận động bình thường.
+ Bộ phận khác: chưa phát hiện dấu hiệu bệnh lý.
Cận lâm sàng:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, tổng phân tích nước tiểu: các chỉ số trong giới hạn bình thường.
- Sinh hóa máu: LDH 594U/l (tăng cao), các chỉ số khác trong giới hạn bình thường.
- MRI cột sống thắt lưng - cùng:
Hình 1: Hình ảnh chụp MRI: Khối u xương cánh chậu phải, kích thước 9,8x10,7cm,
phát triển gây thối vỏxương nhưng chưa thấy phá vỡ vỏ, đè đẩy cơ chậu
nhưng chưa xâm lấn. Theo dõi Sarcoma (vòng tròn vàng).
- Giải phẫu bệnh (Sinh thiết khối u xương chậu dưới hướng dẫn của CT): Kết quả mô bệnh học và hóa mô miễn dịch phù hợp với Sarcoma đa hình không biệt hóa.
- Xạ hình xương toàn thân với 99mTc-MDP: Sau tiêm thuốc 3 giờ, thấy:
+ Tăng hoạt độ phóng xạ tại xương chậu phải.
+ Phần còn lại của hệ thống xương hoạt độ phóng xạ tập trung đồng đều phù hợp theo đặc điểm sinh lý.
- Các xét nghiệm toàn thân khác: không phát hiện bất thường.
Hình 2: Hình ảnh tổn thương xương chậu phải (mũi tên đỏ).
Chẩn đoán xác định: Ung thư xương nguyên phát (Sarcoma xương) vị trí xương cánh chậu phải, T2bN0M0, giai đoạn IIb.
Bệnh nhân được hội chẩn hội đồng chuyên môn, không có chỉ định phẫu thuật, được chỉ định điều trị hóa chất phác đồ AI (Ifosfamid 5mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1, Doxorubicine 50mg/m2 da truyền tĩnh mạch ngày 1, Uromitexan truyền tĩnh mạch ngày 1), 06 đợt, chu kì 21 ngày.
Hiện tại, sau 6 đợt điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, đỡ đau vùng chậu hông phải,vận động tốt hơn, bệnh nhân có thể tự đi lại được, không cần sử dụng các thuốc giảm đau. Chụp cộng hưởng tử vùng chậu: khối u xương chậu kích thước nhỏ lại >90%.
Ø Hình ảnh trước điều trị:
Hình 3: Hình ảnh khối u xương cánh chậu phải, kích thước 9,8x10,7cm,
phát triển gây thối vỏ xương, đè đẩy cơ chậu nhưng chưa xâm lấn. (vòng tròn vàng).
Ø Hình ảnh sau điều trị 6 chu kỳ hóa chất:
Hình 4: Hình ảnh xương cánh chậu thanh mảnh, vùng cánh chậu phải có phá hủy xương, kích thước khối u giảm >90% so với trước điều trị.
Ø Bệnh nhân tiếp tục được hội chẩn sau điều trị hóa chất 6 chu kỳ và có chỉ định xạ trị gia tốc vùng tổn thương u xương cánh chậu phải.
Kết quả điều trị và theo dõi sẽ tiếp tục được cập nhật ở phần sau.
ungthubachmai.com.vn