Điều trị có hiệu quả trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ, không vảy, giai đoạn di căn xa không có đột biến EGFR/ALK và không bộc lộ PD-L1 bằng miễn dịch phối hợp với hóa trị

Ngày đăng: 11/10/2022 Lượt xem 1558

Điều trị có hiệu quả trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ, không vảy, giai đoạn di căn xa không có đột biến EGFR/ALK và không bộc lộ PD-L1 bằng liệu pháp miễn dịch phối hợp với hóa trị

GS.TS. Mai Trọng Khoa, TS. BS. Nguyễn Thanh Hùng, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương

 Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Theo Globocan 2020, tại Việt Nam ung thư phổi là một trong loại ung thư phổ biến nhất (sau ung thư gan) chiếm 14% trên tổng số các loại ung thư với tỷ lệ mới mắc 182.563ca/ năm. Tỷ lệ tử vong chiếm 20,6% (122.690 ca/ năm). Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị toàn thân mới tiếp tục khẳng định lợi ích gia tăng sống còn toàn bộ cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) không có đột biến EGFR/ALK. Liệu pháp hóa trị bộ đôi cho kết quả trung vị sống còn trong khoảng 8- 10 tháng, sự phối hợp hóa trị với các thuốc kháng sinh mạch (VEGF) giúp cải thiện trung vị sống còn lên đến 12- 13 tháng. Tuy nhiên, với sự phát triển của miễn dịch (MD) trong ung thư, sự kết hợp giũa hóa trị và điều trị MD thông qua ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đã giúp cho kéo dài thời gian sống còn vượt trội lên đến 30 tháng.

Sự phối hợp giữa liệu pháp MD và hóa trị trên bệnh nhân UTPKTBN thông qua 2 cơ chế chính: Trên hệ MD hóa trị tác động trên hệ MD của cơ thể bằng cách triệt tiêu các tế bào ức chế miễn dịch (T-reg, MDSCs, M2 TAM) và kích thích các tế bào MD hiệu lực (APCs, CTLs). Tại khối u, bên cạnh khả năng gây độc tế bào (tiêu diệt tế bào U) hóa trị có vai trò quan trọng trong việc làm tăng tính kháng nguyên của khối u bao gồm: tăng giải phóng các mảnh tế bào u chết giúp hệ MD tăng khả năng nhận diện kháng nguyên ung thư. Giải phóng các chất trung gian MD như Interleukin, Cytokin, yếu tố hoại tử u qua đó làm tăng khả năng đáp ứng hệ MD đối với khối u, tăng khả năng xâm nhập tế bào MD vào tế bào u. Gia tăng bộc lộ các điểm kiểm soát MD trên bề mặt tế bào u như PD-L1. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa liệu pháp MD và hóa trị có thể mang lại hiệu quả hiệp đồng trong điều trị UTPKTBN giai đoạn tiến xa, không có đột biến EGFR/ ALK và không bộc lộ PD-L1.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu ca lâm sàng điều trị hiệu quả UTPKTBN giai đoạn tiến xa, không có đột biến EGFR/ALK, không rõ bộc lộ PDL-L1 bằng liệu pháp MD phối hợp hóa trị:

Bệnh nhân N.V.X, nam 2 tuổi, địa chỉ ở Hà Nội, vào viện tháng 1/2022

Tiền sử bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến của phổi phải giai đoạn IIb đã được phẫu thuật cắt thùy phổi và hóa trị bổ trợ chuẩn 6 chu kỳ cách đây 3 năm.

Cách vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau vùng cột sống lưng, đi khám lại phát hiện tổn thương xương cột sống ngực D8 trên hình ảnh PET/CT tăng hấp thu FDG do ung thư phổi tái phát di căn. Bệnh nhân nhập trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị.

Lâm sàng: Bệnh nhân vào viện thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh (PS: 0), không khó thở, đau nhẹ vùng lưng, không sờ thấy hạch ngoại vi, huyết động và hoạt động hoàn toàn bình thường.

Mô bệnh học: Ung thư biểu mô tuyến

Xét nghiệm EGFR âm tính, không rõ bộc lộ PD-L1

Không có di căn não

Hình ảnh PET/CT- FDG của bệnh nhân trước điều trị (1/2022): Hình ảnh tổn thương xương, tăng chuyển hóa FDG khu trú ở đốt sống D8 (SUVmax: 4,47). Không phát hiện hình ảnh tăng chuyển hóa FDG khu trú, bất thường ở nhu mô phổi hai bên và các vùng khác trong cơ thể (hình 1).

3687 anh 1

3687 anh 2

Hình 1: Ảnh chụp PET/CT trước điều trị

Chẩn đoán xác định: Ung thư biểu mô tuyến phổi phải tái phát sau phẫu thuật di căn xương cột sống (giai đoạn IV), không có đột biến EGFR/ALK, không rõ bộc lộ PD-L1.

Điều trị: bệnh nhân được điều trị bước 1 bằng liệu pháp MD phối hợp với hóa trị, cụ thể là Pembrolizumab 200mg/ ngày, truyền tĩnh mạch ngày 1; Pemetrexed 500mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1 và Carboplatin AUC 5mg/ml/phút, truyền tĩnh mạch ngày 1. Bệnh nhân được tiến hành điều trị 6 chu kỳ cách nhau 21 ngày và không gặp bất cứ một tác dụng ngoại ý nào.

Kết quả: đánh giá sau 6 chu kỳ điều trị cho thấy tình trạng lâm sàng bệnh nhân tốt lên, bệnh nhân tăng 2kg và triệu chứng đau cột sống biến mất hoàn toàn.

Hình ảnh chụp PET/CT sau 6 chu kỳ điều trị MD + Hóa trị (07/2022): Hình ảnh đặc xương ở thân đốt sống D8, tăng chuyển hóa FDG (SUVmax: 2,46; giảm chuyển hóa FDG so với phim chụp ngày 25/1/2022).

3687 anh 3

3687 anh 4

Hình 2: Ảnh chụp PET/CT sau điều trị

So sánh kết quả trước và sau điều trị (hình 3): như vậy, sau điều trị bệnh đáp ứng một phần

3687 anh 5

Hình 3: Kết quả PET/CT trước và sau điều trị

Kết luận: Liệu pháp MD phối hợp với hóa trị đã mang lại kỳ vọng sống thêm cho người bệnh UTPKTBN giai đoạn di căn xa không có đột biến EGFR/ALK và không bộc lộ PD-L1.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan