Đại cươngLao tuyến vú là tình trạng vi trùng lao tấn công, xâm nhập vào mô tuyến vú, đây là dạng lao ngoài phổi hiếm gặp. Lao tuyến vú rất khó chẩn đoán và điều trị.
Thông thường, vi trùng lao di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết từ nơi khác đến vú nên khi nghi ngờ bệnh lao tại vú nên cố gắng tìm thêm các ổ nguyên phát khác.
Tuy nhiên nhiều chị em không để ý việc mặc trang phục áo nịt ngực quá chặt, bó ép vòng 1, gây nóng bức, ngứa, gãi làm trầy xước da khiến vi trùng lao vô tình có ở tay đi thẳng đến vết thương trên da tuyến vú là một trong các nguyên nhân dẫn đến lao tuyến vú .
Ngoài ra cũng có những nguyên nhân người bệnh đang bị lao phổi, lao xương sườn, từ những ổ lao này vi trùng lao xâm lấn trực tiếp ra mô vú, hạch qua đường rò mủ (đường lây kế cận)…
Quá trình phát hiện bệnh có thể kéo dài từ vài tháng thậm chí vài năm, thường xảy ra ở một bên vú, hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nam cũng có thể bị nhưng rất hiếm.
Sau đây là ca lâm sàng bệnh nhân nữ được chẩn đoán lao vú dựa vào kết quả mô bệnh học sau mổ.
Bệnh nhân: Phạm Thị M., nữ, 28 tuổi
Ngày vào viện: 18/04/2018
Lý do vào viện: Viêm áp xe tuyến vú trái kéo dài, tái diễn nhiều lần
Bệnh sử: Bệnh diễn biến khoảng 4 tháng nay, biểu hiện sưng đau chảy dịch nhu mô tuyến vú bên trái vị trí 8-9 giờ, đã được chẩn đoán áp xe vú và được chích rạch ổ áp xe. Kết quả siêu âm khi phát hiện tổn thương là khối tuyến vú trái (BIRADS 4C) kích thước 33x32mm, vị trí ¼ dưới trong, trung tâm có phần giảm âm dạng dịch, không đồng nhất, không thấy co kéo nhu mô xung quanh. Nuôi cấy định danh vi khuẩn âm tính, mô bệnh học là tổn thương viêm cấp tính. Bệnh nhân đã được chích rạch làm sạch ổ áp xe và điều trị kháng sinh phối hợp trong khoảng 2 tháng không thuyên giảm nên quyết định nhập viện điều trị.
Tiền sử:Bản thân: khỏe mạnh, sinh 2 con, đẻ thường, đã cai sữa trước đó 2 năm, chưa phát hiện bị lao trước đó.
Gia đình: Không ai bị lao và không ai mắc bệnh như bệnh nhân.
Khám lúc vào viện:Toàn thân:Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt
Thể trạng trung bình, cao 160cm, nặng 56kg
Mạch 90 lần/ phút, Huyết áp:110/70mmHg, Nhiệt độ 36,9 độ
Da niêm mạc hồng
Hạch ngoại vi không sờ thấy
Tim nhịp đều 90 chu kỳ/ phút, không thấy tiếng bệnh lý
Rì rào phế nang hai phổi rõ.
Bụng mềm, gan lách không sờ thấy
Không liệt vận động
Tại chỗ: Tuyến vú trái sung nề, chảy dịch tiết màu vàng lẫn mủ, có khối tổn thương vị trí 8 giờ, kích thước 3x3 cm, mật độ mềm, ấn đau tức, xung quanh là các tổ chức viêm xơ, các tổn thương da chưa liền do các vết chích rạch cũ. Núm vú không bị tụt hay biến dạng, không chảy dịch bất thường.
Hình 1: Hình ảnh tổn thương tuyến vú trái của bệnh nhân Phạm Thị M, 28 tuổi (vùng da trong vòng tròn màu đỏ)
Xét nghiêm:Xét nghiệm công thức máu: các chỉ số trong giới hạn bình thường, Bạch cầu 8,62 G/l.
Xét nghiệm sinh hóa máu: Chức năng gan thận bình thường, CRP: 0,1mg/dl
Chất chỉ điểm ung thư: CEA: 0,47ng/mL, CA 15-3: 12,2U/mL
Xét nghiệm virus: HIV(-), HbsAg(-), HCV(-)
Siêu âm vú: Hình ảnh các ổ áp xe tuyến vú trái
Hình 2. Hình ảnh nhiều ổ áp xe vú trái (trên siêu âm vú)
Bệnh nhân được chẩn đoán: Áp xe vú tái phát nhiều lần chưa loại trừ lao hay u thể viêm
Điều trị: Phẫu thuật: Làm sạch, lấy tổ chức viêm hoại tử nuôi cấy và xét nghiệm tế bào, mô bệnh học
Kết quả nuôi cấy: Âm tính
PCR lao: dương tính
Kết quả mô bệnh học: tổn thương viêm lao
Bệnh nhân ra viện sau 5 ngày phẫu thuật và chuyển y tế cơ sở điều trị lao theo phác đồ.
Kết luận:
Lao vú rất dễ nhầm lẫn với ung thư vú và áp xe vú sinh mủ thông thường. Vì thế để biết chính xác có bị lao vú hay không bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để làm các xét nghiệm như siêu âm, chụp Xquang vú, cấy mủ… là những xét nghiệm phụ trợ, giúp đỡ rất nhiều trong chẩn đoán cũng như đánh giá kết quả điều trị.
Nếu lao vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não.
Điều trị, cũng giống như lao phổi, phải dùng thuốc kháng lao tối thiểu sáu tháng. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc kháng lao, tùy theo diễn tiến bệnh có thể phải can thiệp ngoại khoa, điều này do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và đưa ra quyết định.
Vì thế, chị em không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1. Với những trường hợp vú đang bị áp xe và rò mủ thì nên để ngực trần.
Với nguyên nhân vi trùng lao xâm nhập qua tuyến vú như trên, bệnh nhân có thể phòng, tránh bằng cách không mặc những loại áo ngực quá gò bó, gây nóng bức và nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vòng 1.
Nếu bạn bị viêm vú, xì, dò mủ, ápxe vú tái đi tái lại nhiều lần, rất có thể bạn đã bị lao vú. Vì vậy, bạn cần đến khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.