Tầm soát lao và lao tiềm ẩn. Phải chăng chúng ta đã bỏ qua bệnh nhân ung thư!

Ngày đăng: 23/03/2018 Lượt xem 2312
Tóm tắt:

Một trong các công việc quan trọng trước khi bước vào điều trị bệnh nhân ung thư là đánh giá các bệnh đồng mắc ở bệnh nhân. Lao và lao tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát khi điều trị hóa chất bệnh nhân ung thư dường như là một trong các bệnh đồng mắc nhưng ít được quan tâm. Hiện nay việc chẩn đoán lao và lao tiềm ẩn chủ yếu dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng: chẩn đoán hình ảnh, vi sinh, phản ứng Mantoux và xét nghiệm đo sự phóng thích interferon gamma (IGRA) ….

Việc tầm soát lao tiềm ẩn ở những đối tựng nguy cơ cao giúp hạn chế chuyển từ lao tiềm ẩn thành lao hoạt động, hạn chế lây lan lao ra cộng đồng và không làm gián đoạn quá trình điều trị ung thư.

Từ khóa: Lao tiềm ẩn, Mantoux, IGRA

Abstract

One of the most important steps before treating cancer patient is to assess the comorbidities. Tuberculosis and lantern Tuberculosis can break out when the patient is treated by chemotherapy. But tuberculosis and lantern tuberculosis seem to be received little consideration. Until now, The diagnosis of tuberculosis and lantern tuberculosis mainly bases on clinical examination, imaging and microbiology test.

Serenity lantern tuberculosis in high risk patients help to reduce transformation to active tuberculosis and the infection to the population and no-interruption treatment.

Key words : Latent Tuberculosis, Mantoux, IGRA test.

I. ĐẠI CƯƠNG

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trên thế giới năm 2015 có khoảng 10,4 triệu người nhiễm lao, trong đó 1,8 triệu người tử vong. Hiện thế giới và Việt Nam gánh nặng bệnh lao vẫn là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng.

Về mặt lâm sàng có thể chia những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn lao thành hai nhóm chính: lao tiềm ẩn và lao hoạt động (hay lao tiến triển) [1], [2], [3].

Theo định nghĩa của WHO lao tiềm ẩn là tình trạng đáp ứng miễn dịch dai dẳng của cơ thể với kháng nguyên của Mycobacterium tuberculosis mà không biểu hiện triệu chứng lâm sàng của lao tiến triển. Hiện tại chưa có phương pháp xét nghiệm trực tiếp để xác định tình trạng nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn này. Mặc dù không có triệu chứng nhưng nó có nguy cơ chuyển sang thể hoạt động và gây lây truyền trong cộng đồng. Vì thế việc phòng tránh lao tiềm ẩn chuyển sang lao tiến triển cần các biện pháp chẩn đoán và điều trị dự phòng [2], [4].

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các đối tượng cần được tầm soát lao như: người có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân lao hoạt động, người ở các nước có tỷ lệ bệnh lao lưu hành cao (trong đó có Việt Nam), người sống và làm việc trong các nhà dưỡng lão…. Không phải bệnh nhân nhiễm lao tiềm ẩn nào cũng tiến triển thành lao hoạt đông, nhưng 1 số đối tượng có nguy cơ cao tiến triển thành lao hoạt động hơn thì theo khuyến cáo của WHO nên được sàng lọc và điều trị lao một cách có hệ thống, đặc biệt ở bệnh nhân HIV, người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hoạt động, bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng thuốc kháng TNF-α, bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân chuẩn bị ghép tạng hoặc ghép tủy, bệnh nhân bị bệnh bụi phổi [1].

Theo Viện sức khỏe và Thử nghiệm lâm sàng Vương quốc Anh (NICE) thì các bệnh nhân mắc bệnh ác tính về huyết học, đang hóa trị hay sau cắt dạ dày do mọi nguyên nhân là những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh lao tiến trển [5], [6].

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nhiễm lao làm tăng nguy cơ ung thư phổi, cơ chế hiện chưa rõ nhưng có thể liên quan đến tình trạng viêm mạn tính do nhiễm lao. Một số nghiên cứu khác cho rằng nhiễm lao làm trì hoãn điều trị thuốc ung thư ở bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư nếu lao tiến triển [7].

Mới đây trong một phân tích gộp được thực hiện bởi Claudia C. Dobler và cộng sự đăng trên tạp chí hội hô hấp Châu Âu tháng 8/2017, dựa trên phân tích 13 nghiên cứu với hơn 900.000 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ mắc bệnh lao (incidence rate ratio - IRR) ở bệnh nhân ung thư tăng lên 2,6 lần so với bệnh nhân không mắc ung thư. Tỷ lệ này còn gia tăng hơn ở bệnh nhân ung thư máu và đặc biệt ở trẻ em, nó tăng lên đến 17 lần, cũng chính từ nghiên cứu này, các tác giả đã nhấn mạnh việc tầm soát lao trên bệnh nhân ung thư [8].

Sàng lọc lao tiềm ẩn có thể sử dụng phản ứng Mantoux hoặc xét nghiệm đo lượng interferon gamma (IGRA). Ở những nước đang phát triển, thu nhập thấp, phản ứng Mantoux có thể dùng để tầm soát mà không nhất thiết bắt buộc xét nghiệm IGRA [1], [9].

Cần hỏi bệnh và thăm khám kỹ các triệu chứng bệnh lao trước khi sàng lọc lao tiềm ẩn. Chụp X quang ngực nếu nghi ngờ lao tiến triển. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và bất thường trên Xquang ngực cần được làm xét nghiệm thăm dò kỹ hơn để chẩn đoán lao tiến triển.

Các phác đồ điều trị lao tiềm ẩn: [1], [4], [9].

Isoniazid 6 tháng
Isoniazid 9 tháng
Rifapentin phối hợp Isoniazid hàng tuần 3 tháng
Isoniazid phối hợp Rifampicin 3 – 4 tháng
Rifampicin 3 – 4 tháng

II. ĐỐI TƯỢNG CẦN SÀNG LỌC LAO TIỀM ẨN

(Theo khuyến cáo của WHO và CDC [1], [4])

Người nhiễm HIV
Người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi
Bệnh nhân chuẩn bị điều trị thuốc kháng TNF-α
Bệnh nhân lọc máu
Bệnh nhân chuẩn bị ghép tạng hoặc ghép tủy: cần tiến hành sàng lọc trong vòng 30 ngày trước khi ghép.
Bệnh bụi phổi
Người châu Á (ở vùng dịch tễ có tỷ lệ lưu hành bệnh lao cao, trong đó có Việt Nam)

III. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LAO TIỀM ẨN VÀ LAO HOẠT ĐỘNG [1].



IV. QUY TRÌNH SÀNG LỌC VÀ ĐIỀU TRỊ LAO TIỀM ẨN [4]

 
Sơ đồ 1: Quy trình sàng lọc và điều trị lao tiềm ẩn

Chú ý: Những BN được thăm dò chẩn đoán lao tiến triển hoặc bệnh khác, nếu không có chẩn đoán lao tiến triển thì vẫn điều trị lao tiềm ẩn

1. Các triệu chứng lâm sàng nghi lao gồm:

Ho, ho máu, sốt, vã mồ hôi đêm, sút cân không rõ nguyên nhân, đau ngực, khó thở, mệt mỏi [1].

2. Phản ứng Mantoux :

Kết quả đọc sau 48 đến 72 giờ. Đo đường kính nốt sẩn theo chiều ngang của cẳng tay (vuông góc với trục dọc cẳng tay), tính bằng đơn vị mm [4].

2.2. Kết quả


Bảng 1: Nhận định kết quả phản ứng Mantoux

Dương tính giả: nhiễm vi khuẩn lao không điển hình, tiêm vaccine BCG trước đó, sai kỹ thuật, nhận định sai kết quả, thuốc thử tuberculin không đảm bảo chất lượng.

Âm tính giả: giảm phản ứng da do suy giảm miễn dịch, mới nhiễm lao (dưới 8 tuần), tiền sử nhiễm lao trước đó quá lâu, trẻ dưới 6 tháng, mới tiêm vaccine sống, lao tiến triển quá nặng, đang mắc một số bệnh do virus (sởi, thủy đậu), sai kỹ thuật, nhận định sai kết quả.

- Hiện tượng Booster (hiện tượng Booster có phản ứng tối đa khi làm test Mantoux lần 2 sau test lần đầu 1 - 5 tuần đến 2 năm): một số bệnh nhân có thể có phản ứng Mantoux âm tính vì được làm cách xa nhiều năm sau khi bị nhiễm Mycobacterium tuberculosis, những người này có thể có phản ứng Mantoux làm lại sau đó dương tính vì xét nghiệm Mantoux lần đầu đã kích thích khả năng đáp ứng với test. Đó là hiện tượng Booster (à nhiễm lao tiềm ẩn đã lâu) đôi khi có thể làm phiên giải nhầm là sự chuyển đảo phản ứng da từ âm tính thành dương tính (à nhiễm lao gần đây).

- Hiện tượng Mantoux chuyển đảo dương tính (tiến hành lần 2 kể từ tuần thứ 8 sau lần tiếp xúc cuối cùng với người mắc lao hoạt động): là hiện tượng thay đổi phản ứng Mantoux trong vòng hai năm: chuyên đảo từ âm tính thành dương tính, hoặc tăng đường kính phản ứng >10mm

3. Xét nghiệm đo sự phóng thích interferon gamma (IGRA)

3.1. Khái niệm


IGRA là xét nghiệm máu toàn phần, đo sự phóng thích interferon gamma từ tế bào bạch cầu khi trộn máu của bệnh nhân với các kháng nguyên chiết xuất từ vi khuẩn lao (ESAT-6, CFP-10; TB 7.7). Hiện nay có 2 loại xét nghiệm IGRA: QuantiFERON®-TB Gold In-Tube test (QFT-GIT) và T-SPOT®.TB test (T-Spot) [3]

Ưu điểm: Có kết quả sau 24h. Không xảy ra dương tính giả sau tiêm BCG hoặc nhiễm vi khuẩn lao không điển hình. Không có hiện tượng Booster.

Nhược điểm: Bệnh phẩm máu sau lấy cần được xét nghiệm trong vòng 8 giờ. Chưa có đủ thông tin về việc làm xét nghiệm này ở các đối tượng: trẻ dưới 5 tuổi, người mới phơi nhiễm lao, người suy giảm miễn dịch và những người được thực hiện lặp lại xét nghiệm này [3].

3.2. Kết quả

QFT-GIT đo nồng độ IFN-gamma, cho kết quả: âm tính, dương tính, không xác định

T-spot đo số lượng tế bào lympho T được hoạt hóa giải phóng IFN-gamma, cho KQ: âm tính, dương tính, không xác định và nghi ngờ

Kết quả IGRA có thể bị ảnh hưởng sau tiêm vaccine sống, vì vậy để tránh sai kết quả xét nghiệm, có thể xét nghiệm ngay trong ngày tiêm vaccine sống hoặc sau đó 4 đến 6 tuần, đối với chủng vaccine đậu mùa cần thực hiện xét nghiệm tối thiểu sau 1 tháng.


Bảng 2. So sánh giữa các phương pháp chẩn đoán nhiễm lao tiềm ẩn

3.3. Lựa chọn test để sàng lọc nhiễm lao tiềm ẩn

- Với những người có tiếp xúc với bệnh nhân lao hoạt động: IGRA hoặc Mantoux

- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV, điều trị corticoide liều cao kéo dài, điều trị ức chế TNF): Mantoux hoặc IGRA

- Những người đã tiêm chủng BCG: IGRA

- Những người có phơi nhiễm nghề nghiệp với lao: IGRA

- Trẻ em dưới 5 tuổi: Mantoux

- Việc làm đồng thời cả Mantoux và IGRA không được khuyến cáo một cách thường quy nhưng có thể có ích trong một số đối tượng nguy cơ cao nhiễm lao mà xét nghiệm lao lần đầu âm tính hoặc không phiên giải được kết quả.

V. KẾT LUẬN

Bệnh lao tiến triển làm gián đoạn quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư. Mặt khác các bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao tiến triển bệnh lao hơn nhóm bệnh nhân khác vì thế việc sàng lọc và điều trị lao và lao tiềm ẩn một cách hệ thống nên được thực hiện trước khi điều trị ở những đối tượng nguy cơ cao. Các xét nghiệm sàng lọc hiện tại có thể áp dụng là phản ứng Mantoux và xét nghiệm đo sự phóng thích interferon gamma (IGRA) đều được khuyến cáo.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Centers for Disease Control and Prevention (2017). Latent TB Infection and TB Disease. Available at: , [Accessed 16 February 2017]

2. H. Getahun, A. Matteelli, I. Abubakar và cộng sự (2015). Management of latent Mycobacterium tuberculosis infection: WHO guidelines for low tuberculosis burden countries. European Respiratory Journal, ERJ-01245-02015.

3. G. H. Mazurek, J. Jereb, A. Vernon và cộng sự (2010). Updated guidelines for using interferon gamma release assays to detect Mycobacterium tuberculosis infection-United States, 2010. MMWR Recomm Rep, 59 (RR-5), 1-25.

4. WHO và W. H. Organization (2015). Guidelines on the management of latent tuberculosis infection, World Health Organization,

5. L. E. Hoppe, R. Kettle, M. Eisenhut và cộng sự (2016). Tuberculosis—diagnosis, management, prevention, and control: summary of updated NICE guidance. bmj, 352, h6747.

6. A. Humphreys, A. Abbara, S. Williams và cộng sự (2017). Screening contacts of patients with extrapulmonary TB for latent TB infection. Thorax, thoraxjnl-2016-209639.

7. M. S. Shiels, D. Albanes, J. Virtamo và cộng sự (2011). Increased risk of lung cancer in men with tuberculosis in the alpha-tocopherol, beta-carotene cancer prevention study. Cancer Epidemiology and Prevention Biomarkers, 20 (4), 672-678.

8. C. C. Dobler, K. Cheung, J. Nguyen và cộng sự (2017). Risk of tuberculosis in patients with solid cancers and haematological malignancies: a systematic review and meta-analysis. European Respiratory Journal, 50 (2), 1700157.

9. D. L. Cohn, R. J. O’Brien, L. J. Geiter và cộng sự (2000). Targeted tuberculin testing and treatment of latent tuberculosis infection. MMWR Morb Mortal Wkly Rep, 49 (6), 1-54.

Nguyễn Tiến Đồng

Tin liên quan