CN. Nguyễn Thị Thu Giang
Đơn vị Gen – Tế bào gốc,
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Trong nhiều năm, phác đồ EXTREME được sử dụng để điều trị bước một cho ung thư biểu mô vảy vùng đầu cổ (squamous cell carcinoma of the head and neck – SCCHN) tái phát/ di căn. Phác đồ này là sự kết hợp của hóa trị trên nền plantinum, 5-fluorouracil (5-FU) và cetuximab, sau đó điều trị duy trì cetuximab. Phác đồ này cho thời gian sống còn toàn bộ (overall survival–OS) khoảng 10 tháng. Nó có độc tính đáng kể nhưng những bệnh nhân phù hợp có thể chịu được. Liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc ức chế PD-1 như nivolumab và pembrolizumab gần đây đã trở thành tiêu chuẩn điều trị cho những bệnh nhân tái phát hoặc di căn sau khi điều trị thất bại với hóa trị trên nền platium dựa trên các tiêu chí thời gian đáp ứng kéo dài, sự cải thiện tỉ lệ sống, hồ sơ các độc tính thường gặp và sự cải thiện chất lượng sống.
Tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư Y khoa Châu Âu năm 2018 (European Society for Medical Oncology–ESMO) năm 2018, tiến sỹ Barbara Burtness (Trung tâm Ung thư Đại Học Yale, New Haven, Connecticut) đã trình bày các kết quả cập nhật mới nhất của nghiên cứu ngẫu nhiên pha III Keynote-048 so sánh hiệu quả của điều trị bước một pembrolizumab khi được dùng đơn trị và kết hợp với hóa trị platium phối hợp 5-FU so với phác đồ chăm sóc tiêu chuẩn hiện nay (EXTREME) trên những bệnh nhân SCCHN tái phát/di căn. Các điểm khác biệt chính trên cả hai nhánh có sử dụng pembrolizumab so với EXTREME là tỉ lệ sống không tiến triển (progression-free survival–PFS) ở nhóm cótỉ lệ dương tính kết hợp (combined positive score–CPS) PD-L1≥20, CPS≥1 và cỡ mẫu.
Đơn trị pembrolizumab cho kết quả cải thiện OS 4,2 tháng so với phác đồ EXTREME trên những bệnh nhân có CPS PD-L1≥20 (14,9 tháng so với 10,7 tháng; HR 0,61, P=0,0007). Trên những bệnh nhân có CPS≥1, đơn trị pembrolizumab cho hiệu quả cải thiện OS ít hơn so với phác đồ EXTREME nhưng vẫn có ý nghĩa (12,3 tháng so với 10,3 tháng; HR 0,78, P=0,086). Không có cải thiện trung bình PFS khi đơn trị pembrolizumab bất kể mức độ biểu hiện PD-L1, dù PFS 2 năm chiếm ưu thế. Phác đồ EXTREME cho tỉ lệ đáp ứng toàn bộ (overall response rate–ORR) cao hơn đơn trị pembrolizumab nhưng thời gian đáp ứng pembrolizumab kéo dài hơn trên cả nhóm CSP≥20 (20,9 tháng so với 4,2 tháng) và nhóm CPS≥1 (20,9 tháng so với 4,5 tháng).
Đơn trị pembrolizumab được dung nạp tốt và gặp các phản ứng có hại (adverse events–AE) ít hơn so với phác đồ EXTREME. AE độ 3/4 xảy ra ở 16,7% bệnh nhân dùng pembrolizumab và ở 69,0% bệnh nhân dùng phác đồ EXTREME. Có nhiều AE liên quan phản ứng miễn dịch trung gian xảy ra trên nhánh điều trị pembrolizumab (30,3% so với 23,7%) nhưng thường nhẹ và chủ yếu ở mức độ 1/2, thường gặp nhất là pembrolizumab là suy giáp, viêm phổi, cường giáp và phản ứng da nghiêm trọng.
Điều trị phối hợp pembrolizumab và hóa trị cho kết quả cải thiện OS đáng kể so với phác đồ EXTREME bất kể mức độ biểu hiện PD-L1 (13,0 tháng so với 10,7 tháng; HR 0,77, P=0,0034). Không có sự cải thiện về PFS hay ORR nhưng nhóm bệnh nhân điều trị phối hợp pembrolizumab và hóa trị có thời gian đáp ứng kéo dài hơn (6,7 tháng so với 4,3 tháng). Điều trị phối hợp pembrolizumab và hóa trị có tỉ lệ AE tương đương với phác đồ EXTREME, tỉ lệ AE độ 3/4 tương tự nhau (71,0%so với 69,0%), tỉ lệ AE phản ứng miễn dịch trung gian cũng tương tự nhau (25,7% so với 23,7%).
Tiến sĩ Burtness kết luận rằng những hiệu quả ấn tượng về OS và các độc tính có thể kiểm soát được của phác đồ đơn trị pembrolizumab đã cho thấy đây là một tiêu chuẩn điều trị mới cho những bệnh nhân SCCHN tái phát hoặc di căn có PD-L1 dương tính, trong khi đó, phác đồ kết hợp pembrolizumab với hóa trị nên được sử dụng trên những bệnh nhân không có biểu hiện PD-L1 hoặc không biết mức độ biểu hiện PD-L1. Thảo luận về vấn đề này, Tiến sĩ Jean-Pascal Machiels (Đại học Louvain, Brussels, Bỉ) đã đồng ý rằng hiện nay, pembrolizumab nên được coi là tiêu chuẩn điều trị bước đầu cho hầu hết những bệnh nhân SCCNH tái phát/di căn nhưng nhấn mạnh rằng phác đồ EXTREME vẫn có thể là phương pháp điều trị khả thi trên những bệnh nhân gánh nặng bệnh đang tăng lên, cần phải có những đáp ứng nhanh hoặc những bệnh nhân có CPS 0. Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xác định CPS trên những bệnh nhân SCCHN tái phát/di căn. Ngoài ra, ông cũng thảo luận về trình tự các phương pháp điều trị khả thi tiếp theo dựa trên phương pháp đã điều trị bệnh nhân bước đầu: trên những bệnh nhân đã đơn trị pembrolizumab có thể là hóa trị trên nền platinum, trên những bệnh nhân đã tiến triển sau khi điều trị EXTREME có thể là liệu pháp miễn dịch; tuy nhiên, vẫn chưa có dữ liệu về phương pháp điều trị trên những bệnh nhân tiến triển sau khi điều trị phối hợp pembroizumab và hóa trị trên nền platinum.
Nguồn:Theo https://www.esmo.org/Press-Office/Press-Releases/KEYNOTE048-head-neck-cancer-immunotherapy-Burtness" target="_blank">Ann Oncol. 2018; 29 (Suppl 8)
https://www.primeoncology.org/primelines/first-line-pembrolizumab-superior-extreme-metastatic-scchn/?utm_campaign=PrimeLines&;utm_source=hs_email&utm_medium=email&utm_content=67954085&_hsenc=p2ANqtz-8ND-zUZdxAwyLhh3ORaEBEcquTzgmipsKQmvCbQ7kYVbg3ybtZ0PxuuKWlH8re4l0bBUlK_2b0oFVGhRl-FnR8Ec_hfg&_hsmi=67954085
ungthubachmai.vn