Một số thông tin thường thức về ung thư dạ dày

Ngày đăng: 14/02/2022 Lượt xem 2019

Một số thông tin thường thức về ung thư dạ dày

BSNT. Đào Mạnh Phương, GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương, PGS.TS. Trần Đình Hà.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai

Ung thư dạ dày là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17900 người được chẩn đoán và hơn 14600 người tử vong. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm ở Việt Nam còn chưa cao. Bài viết này cung cấp một số kiến thức thường thức, cơ bản về ung thư dạ dày như các triệu chứng của bệnh, nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, các xét nghiệm chẩn đoán bệnh từ đó mọi người có thể biết để đi khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

1. Các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư dạ dày

-        Ở giai đoạn sớm: ở giai đoạn này bệnh thường khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sớm một cách tình cờ khi khám sức khỏe hoặc trong các chương trình tầm soát. Ở các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, … việc tầm soát ung thư dạ dày nhờ nội soi dạ dày được thực hiện rộng rãi và đã giúp phát hiện được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và rất sớm nên đã cải thiện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh này.

-        Ở giai đoạn muộn: bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:

+   Đau bụng dai dẳng và sút cân là những triệu chứng thường gặp nhất khi được chẩn đoán. Đau bụng thường gặp ở vùng trên rốn lúc đầu đau nhẹ, âm ỉ nhưng ở giai đoạn sau bệnh nhân đau nhiều hơn và liên tục. Bệnh nhân sút cân thường vì ăn kém do chán ăn, buồn nôn, đau bụng và thậm chí cả khó nuốt.

+   Khó nuốt: là triệu chứng có thể gặp nếu ung thư ở phần trên dạ dày và đoạn nối thực quản- dạ dày.

+   Buồn nôn hoặc cảm giác no sớm có thể gặp do khối u gây ra. Trong trường hợp ung thư dạ dày lan tỏa những triệu chứng này xuất hiện do dạ dày mất khả năng co bóp. Triệu chứng này cũng có thể gây ra do tắc nghẽn con đường thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non (được gọi là hẹp môn vị).

+   Thiếu máu do chảy máu dạ dày số lượng ít, kéo dài với biểu hiện có hồng cầu trong phân khi xét nghiệm không phải là hiếm gặp, trong khi đó chảy máu ồ ạt (gây nôn máu, đi ngoài phân đen) chỉ gặp ở khoảng dưới 20 % các trường hợp.

+   Xuất hiện khối ở vùng bụng có thể sờ thấy được, mặc dù ít gặp, nhưng nếu có thì thường ở trường hợp bệnh đã phát triển từ lâu.

+   Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh khi đã di căn. Các vị trí di căn hay gặp nhất của ung thư dạ dày là di căn màng bụng (gây cổ chướng), di căn gan và di căn hạch. Ít gặp hơn là các trường hợp di căn buồng trứng, di căn xương, di căn phổi thậm chí di căn não,... Các triệu chứng này được phát hiện khi thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, đánh giá toàn thân một cách đầy đủ.

+  Hiếm gặp hơn, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng do u xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày gây thủng dạ dày hoặc thậm chí xâm lấn đến các cơ quan ở xung quanh như đại tràng và gây ra tắc ruột.

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của ung thư dạ dày

Một số yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và yếu tố di truyền đã được chứng minh có vai trò trong ung thư dạ dày.

-        Thức ăn chứa nhiều muối, hay được bảo quản bằng muối (như các loại rau muối, thịt muối…) dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày và do đó khiến dạ dày càng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân sinh ung thư.

-        Vi khuẩn H. pylori: Các nghiên cứu cho thấy nhiễm H. pylori làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do vi khuẩn này làm viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc, dị sản ruột, loạn sản và có thể tiến triển thành ung thư. Điều trị diệt H. pylori cũng giúp làm giảm tỷ lệ tái phát ở ung thư dạ dày giai đoạn sớm sau điều trị. Ăn nhiều thức ăn ướp muối làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori dai dẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đồng thời ăn chế độ ăn nhiều muối và nhiễm H. pylori sẽ càng làm tăng cao hơn nguy cơ ung thư dạ dày.

-        Các hợp chất nitroso (hợp chất chứa nhóm -NO) trong một số loại thức ăn, khói thuốc lá cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Các hợp chất N-nitroso còn được tạo ra do sự chuyển hóa nitrat có trong một số loại thực phẩm và chất chất phụ gia.

-        Béo phì: nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vùng tâm vị của dạ dày.

-        Hút thuốc lá: Một số nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp khoảng 1,5 lần người không hút thuốc lá. Nguy cơ này giảm dần sau khi cai thuốc 10 năm.

-        Nhiễm virus Virus Epstein-Barr (EBV): Một số nghiên cứu (ở Hàn Quốc…) cho thấy có vai trò của loại virus này trong việc gây ra ung thư dạ dày. Sau đó nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh và ước tính có khoảng 5-10% các trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới có liên quan đến EBV.

-        Yếu tố di truyền: Ung thư dạ dày có liên quan tới yếu tố gia đình xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp.

3. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đi khám ở đâu?

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa lớn của cả nước với các chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa và có nhiều trang thiết bị tiên tiến đồng bộ, trong đó có các hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại nên có thể khám và tiến hành nội soi, sinh thiết chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa. Đây là một địa chỉ đã và đang được người dân trên khắp cả nước tin tưởng đến khám.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc bệnh viện Bạch Mai với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, cơ sở trang thiết bị hiện đại là một địa chỉ uy tín điều trị cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư dạ dày trong nhiều năm qua. Khi đến với trung tâm, bệnh nhân sẽ được đánh giá toàn diện để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như được hội chẩn hội đồng đa chuyên khoa để nhận được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

3658 anh 1

Hinh 1. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có nhu cầu có thể liên hệ phòng 100B tầng 1 nhà H (mũi tên màu vàng) để được tư vấn, khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị bệnh ung thư và tư vấn di truyền.

4. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời có nguy hiểm không? Các biến chứng của bệnh là gì?

Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh đã ở giai đoạn muộn sẽ không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân thậm chí nhập viện khi đã có biến chứng của bệnh như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, viêm phúc mạc. Đây đều là các biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã di căn với các triệu chứng như liệt (do tổn thương di căn cột sống hay di căn não), khó thở (di căn phổi),…Khi đó việc điều trị chỉ còn mang tính chất kéo dài thời gian sống thêm và đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh cao? Nam hay nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn?

-        Tuổi: hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày gặp ở nguời cao tuổi. Ví dụ ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Hiệp hội ung thư quốc gia, 60% số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày ≥65 tuổi. Hay ở Nhật Bản, từ năm 2015, tất cả người từ 50 tuổi trở lên đều được khuyến cáo nội soi dạ dày kiểm tra mỗi 2 đến 3 năm. Ở Việt Nam gần đây ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở lứa tuổi trẻ hơn.

-        Giới: Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020 ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam cao hơn so với ở nữ khoảng 2 lần.

-        Những người có người thân măc ung thư dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày có nguy cơ bị ung thư dạ dày gấp 2-10 lần những người không có người thân mắc bệnh.

-        Những người có yếu tố nguy cơ như nhiễm H. pylori, ăn chế độ ăn nhiều muối hoặc thực phẩm có chứa hợp chất nitroso hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá, viêm dạ dày mạn tính, đều tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

6. Các xét nghiệm cần thiết để phát hiện, xác định bệnh, các phương pháp điều trị tối ưu?

-        Nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng

Nội soi thực quản-dạ dày- tá tràng ống mềm kết hợp với sinh thiết là biện pháp quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Qua nội soi các bác sĩ có thể biết được vị trí và tính chất khối u dạ dày và tiến hành sinh thiết u để có thể khẳng định bệnh. Ngày nay, các tiến bộ kỹ thuật như nội soi tăng cường, nội soi kết hợp với phương pháp nhuộm màu để xác định vùng tổn thương chính xác hơn khi sinh thiết đã giúp tăng khả năng chẩn đoán kể cả các trường hợp tổn thương còn nhỏ, giúp chẩn đoán sớm bệnh.

3658 anh 2

Hình 2. Hình ảnh nội soi dạ dày của một bệnh nhân nam, 56 tuổi, đến khám tại bệnh viện Bạch Mai vì đau bụng vùng trên rốn. Trên hình ảnh nội soi, bác sĩ phát hiện các tổn thương vùng bờ cong nhỏ dạ dày (mũi tên màu vàng). Kết quả sinh thiết là ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa.

-        Xét nghiệm mô bệnh học:

Mẫu mô thu được khi sinh thiết qua nội soi dạ dày sẽ được đúc thành bệnh phẩm khối nến, nhuộm và soi dưới kính hiển vi. Đây là tiêu chuẩn vàng giúp khẳng định bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Ngoài ra, kết quả mô bệnh học cũng cho biết bệnh nhân mắc ung thư dạ dày loại gì, góp phần giúp các bác sĩ tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị.

3658 anh 3

Hình 3. Hình ảnh mô bệnh học từ mẫu sinh thiết của của bệnh nhân được nội soi dạ dày tại bệnh viện Bạch Mai. Kết quả cho thấy thấy đa số tế bào u sếp thành đám, một số gợi hình tuyến (mũi tên màu vàng) và có các tế bào nhẫn (mũi tên màu xanh).

Kết luận: ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa có thành phần tế bào nhẫn.

-        Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá giai đoạn bệnh

Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng để đánh giá giai đoạn ung thư dạ dày trong đó các kỹ thuật quan trọng phải kể đến như:

Chụp cắt lớp vi tính (computed tomography hay CT): Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang có thể cung cấp thông tin về khối u dạ dày cũng như một số thông tin nghi ngờ di căn nếu có như hình ảnh hạch vùng, dịch ổ bụng (di căn màng bụng), tổn thương di căn gan,... Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cũng giúp phát hiện tổn thương di căn xa như di căn phổi.

3658 anh 4

Hình 4. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang của một bệnh nhân nữ, 71 tuổi, đến bệnh viện Bạch Mai khám do nuốt vướng. Trên phim chụp bác sĩ phát hiện dày thành dạ dày (mũi tên màu vàng).

Xạ hình xương toàn thân giúp phát hiện xem liệu ung thư đã di căn xương hay chưa.

3658 anh 5

Hình 5. Hình ảnh xạ hình xương toàn thân của một bệnh nhân nam 74 tuổi được chẩn đoán ung thư dạ dày. Kết ảnh cho thấy di căn xương nhiều vị trí: cột sống, xương chậu, xương đòn phải, xương cẳng tay phải (các mũi tên màu đỏ)    

Chụp PET/CT (chụp cắt lớp bằng bức xạ positron kết hợp chụp cắt lớp vi tính (Positron emission tomography/ Computed tomography: PET/CT): là thăm dò tốt nhất hiện nay để đánh giá toàn thân trong ung thư dạ dày, giúp cung cấp các thông tin cả về u nguyên phát và các tổn thương di căn hạch, di căn xa (di căn xương, di căn phổi, di căn gan...). Nhờ việc đánh giá đầy đủ và chính xác giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra được chiến lược điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân cụ thể.

-        Các xét nghiệm sinh học phân tử

Các xét nghiệm sinh học phân tử như phát hiện thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (Her-2), phối tử protein chết theo chương trình 1 (programmed death-ligand 1: PD-L1) và mất ổn định vi vệ tinh (microsatellite instability: MSI) … đã được thực hiện một cách thường quy. Dựa trên các kết quả này, các bác sĩ có thể biết liệu bệnh nhân có thể phù hợp với các biện pháp điều trị hiện đại với hiệu quả cao như liệu pháp điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch hay không.

-        Các phương pháp điều trị bệnh:

Có nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị nội khoa ... . Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào và thứ tự các phương pháp ra sao tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như các yếu tố khác ở bệnh nhân như thể trạng chung, các bệnh lý kèm theo, … Bệnh nhân cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, được hội chẩn hội đồng chuyên môn để có được được phương pháp điều trị tối ưu.

7. Lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia cho cộng đồng?

Ung thư dạ dày là một bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Tuy nhiên, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng cách thì nhiều trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh có thể trở lại lao động, sinh hoạt và có cuộc sống như những người bình thường khác. Vì vậy những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra những người có triệu chứng bệnh lý dạ dày cũng cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời với hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

1.David J. Kerr, Daniel G. Haller, et al (2016), Gastric cancer- Oxford Textbook of Oncology 3rd Edition, Oxford University Press, 388-407.

2.Chisato Hamashima (2018), “Update version of the Japanese Guidelines for Gastric Cancer Screening”, Japanese Journal of Clinical Oncology48(7): 673–683.

3.Hyun Ah Park, Su Youn Nam, Sang Kil Lee, et al (2015), The Korean guideline for gastric cancer screening, Korean Medical Association, 58(5): 1042941.

4.Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa (2020) và CS. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày - Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu, Bộ Y tế.

5.Paul F Mansfield (2022), “Clinical features, diagnosis, and staging of gastric cancer”, Uptodatehttps://www.uptodate.com/contents/clinical-features-diagnosis-and-staging-of-gastriccancer?search=gastric%20cancer&;source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1

6.Ali Reza Yusefi, Kamran Bagheri Lankarani, Peivand Bastani (2018), “Risk Factors for Gastric Cancer: A Systematic Review”, Asian Pac J Cancer Pre19(3):591-603

7.Collatuzzo G, Pelucchi C, Negri E (2021), “Exploring the interactions between Helicobacter pylori (Hp) infection and other risk factors of gastric cancer: A pooled analysis in the Stomach cancer Pooling (StoP) Project, Int J Cancer”, 149(6):1228

8.Choi IJ, Kook MC, Kim YI et al (2018), “Helicobacter pylori Therapy for the Prevention of Metachronous Gastric Cancer”, N Engl J Med378(12):1085

9.Sneha Mary Alexander, Radhakrishnan Jayalakshmi Retnakumar, Deepak Chouhan (2021), "Helicobacter pylori in Human Stomach: The Inconsistencies in Clinical Outcomes and the Probable Causes", Front. Microbiol.https://doi.org/10.3389/fmicb.2021.713955

10.Aqsa Iqbal (2017), “Effect of Food on Causation and Prevention of Gastric Cancer Effect of Food on Causation and Prevention of Gastric Cancer”. J Cancer Prev Curr Res 8(4): 00289.

11.Lauby-Secretan B, Scoccianti C, Loomis D et al (2016), “Body Fatness and Cancer--Viewpoint of the IARC Working Group”, N Engl J Med375(8):794.

12.Boysen T, Mohammadi M, Melbye M et al (2009), "EBV-associated gastric carcinoma in high- and low-incidence areas for nasopharyngeal carcinoma", Br J Cancer101(3):530

13.Keran Sun, Keqi Jia, Huifang LV (2020), “EBV-Positive Gastric Cancer: Current Knowledge and Future Perspectives" Front. Oncol., https://doi.org/10.3389/fonc.2020.583463

14.Oliveira C, Pinheiro H, Figueiredo J (2015), “Familial gastric cancer: genetic susceptibility, pathology, and implications for management”, Lancet Oncol16(2):e60-70.

15.Van der Post RS, Vogelaar IP, Carneiro F et al (2015), "Hereditary diffuse gastric cancer: updated clinical guidelines with an emphasis on germline CDH1 mutation carriers", J Med Genet52(6):361-374.

16.American Cancer Society (2022), “Key Statistics About Stomach Cancer” https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/about/key-statistics.html#:~:text=Stomach%20cancer%20mostly%20affects%20older,(about%201%20in%20152).

17.Hyuna Sung, Jacques Ferlay, Rebecca L et al (2021), "Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries", CA: A cancer journal for clinicians, 71(3): 209-249

18.Ali Reza YusefiKamran Bagheri Lankarani,Peivand Bastani et al (2018), “Risk Factors for Gastric Cancer: A Systematic Review”, Asian Pac J Cancer Prev19(3): 591–603.

Nguồn: ungthubachmai.com.vn

Tin liên quan